11 trường có nhiều cựu sinh viên trở thành tỷ phú nhất
ĐH Harvard đứng thứ nhất trong danh sách với 29 cựu sinh viên hệ đại học là tỷ phú. Tổng tài sản của 29 người lên đến 207 tỷ USD. Trong đó, 17 người hoạt động trong lĩnh vực tài chính và đầu tư. Tuy nhiên, hai cựu sinh viên giàu nhất của Harvard lại hoạt động ở ngành khác – Steve Ballmer tích lũy tài sản từ thời còn làm cho Microsoft, Jorge Paulo Lemann làm giàu trong ngành thực phẩm và đồ uống. Ảnh: 2U.
ĐH Pennsylvania từng trao bằng cử nhân cho 28 người trong danh sách tỷ phú năm 2021 của Forbes. 28 cựu sinh viên giàu có này có khối tải sản lên đến 284,8 tỷ USD. Hơn một nửa trong số họ tốt nghiệp từ trường Wharton. ĐH Pennsylvania cũng là bệ phóng thành công cho hai tỷ phú nổi tiếng Donald Trump và Elon Musk. Ảnh: UPenn.
ĐH Stanford cùng đứng thứ hai với 28 tỷ phú. Tổng tài sản của họ là 124,4 tỷ USD. Đây được coi là nơi ươm mầm cho các công ty khởi nghiệp. Stanford là trường cũ của 8 tỷ phú mới xuất hiện trong danh sách năm nay – con số lớn hơn bất kỳ trường nào khác. Họ làm trong lĩnh vực công nghệ hoặc liên quan công nghệ. Ảnh: Stanford University.
21 tỷ phú năm 2021 với tổng tài sản 140,8 tỷ USD từng tốt nghiệp ĐH Yale. Năm 2018, Edward Bass – một trong những cựu sinh viên giàu có của Yale – còn tặng trường 160 triệu USD để cải tạo bảo tàng. Ảnh: Yale.
ĐH Mumbai là trường duy nhất nằm ngoài Mỹ lọt vào danh sách này. Ngôi trường ở Ấn Độ là một trong những trường lớn nhất thế giới về quy mô tuyển sinh. Trong số 20 tỷ phú với tổng tài sản 162,8 tỷ USD từng học ở đây, 4 người giàu nhờ thừa kế gia tài. Ảnh: Getty.
Đứng thứ 6 là ĐH Cornell với 18 tỷ phú, tổng tài sản 65,1 tỷ USD. Ngoài các tỷ phú trong danh sách của Forbes năm 2021, Cornell còn có cựu sinh viên nổi tiếng Chuck Feeney – cựu tỷ phú từng quyên tặng toàn bộ 8 tỷ USD của mình, trong đó dành 1 tỷ USD cho trường cũ. Ảnh: Cornell.
ĐH Southern California từng trao bằng tốt nghiệp đại học cho 15 tỷ phú. Tổng tài sản của họ là 58,5 tỷ USD. Trong đó, cựu sinh viên giàu nhất của trường – Marc Benioff, CEO công ty phần mềm Salesforce – sở hữu tài sản 8,4 tỷ USD. Ảnh: USC.
Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đứng thứ 8 với 14 tỷ phú cùng tổng tài sản 104 tỷ USD. Một nửa trong số họ giàu nhờ thừa kế. Các tỷ phú tự thân từng học tại đây gồm nhà toán học Jim Simons – người sở hữu 24,6 tỷ USD từ quỹ Renaissance Technologies – và Drew Houston, nhà đồng sáng lập kiêm CEO Dropbox. Ảnh: Twitter.
Ở vị trí thứ 9, ĐH Columbia từng đào tạo 11 tỷ phú (tổng tài sản 40,9 tỷ USD). Hơn một nửa tài sản của các tỷ phú này đến từ lĩnh vực tài chính và đầu tư. Hai tỷ phú giàu nhất từng học tại ĐH Columbia là Robert Kraft, ông chủ đội bóng New England Patriots, và Rocco Commisso, nhà sáng lập công ty truyền thông Mediacom. Ảnh: New York Times.
Cùng xếp thứ 9 là ĐH Princeton. Tổng tài sản của 11 tỷ phú tốt nghiệp đại học từ trường này là 288,4 tỷ USD. Mặc dù số lượng tỷ phú ít hơn trường đứng đầu đến 18 người, tài sản ròng của cựu sinh viên giàu có từ Princeton lại dẫn đầu danh sách. Một phần nguyên nhân nằm ở hai người giàu nhất từng học Harvard – Bill Gates và Mark Zuckerberg – lại bỏ học giữa chừng và không được tính khi xếp hạng. Trong khi đó, tỷ phú giàu nhất từ ĐH Princeton – nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos cùng vợ cũ MacKenzie Scott đều tốt nghiệp. Riêng hai người này đã có tổng tài sản lên đến 230 tỷ USD. Ảnh: Getty.
ĐH California ở Berkeley cũng xếp thứ 9 với 11 tỷ phú và tổng tài sản của họ là 82,6 tỷ USD. Trong số 10 trường của Mỹ lọt vào danh sách, đây là trường công lập duy nhất. Năm 2021, hai cựu sinh viên trường ghi tên vào danh sách tỷ phú nhờ tận dụng cơ hội trong dịch Covid-19. Timothy Springer giàu lên nhờ có cổ phần trong công ty sản xuất vaccine Moderna trong khi Tony Xu, CEO của DoorDash, phất lên với công ty giao đồ ăn. Ảnh: UC Berkeley.