Bài thuốc dân gian điều trị cảm mạo phong hàn
Người bệnh có triệu chứng: sốt ít, sợ lạnh, sợ gió, nhức đầu, có hoặc không có mồ hôi, ngạt mũi, chảy nước mũi, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù. Nếu kèm thêm thấp thì người và các khớp xương đau nhức. Phép chữa là phát tán phong hàn (dùng các thuốc tân ôn giải biểu), nếu kèm theo thấp thì thêm thuốc trừ phong thấp. Tùy theo triệu chứng bệnh mà lựa chọn các bài thuốc sau:
Bài 1: khương hoạt 6g, phòng phong 6g, thương truật 6g, tế tân 4g, xuyên khung 8g, bạch chỉ 8g, sinh địa 8g, hoàng cầm 8g, cam thảo 6g. Sắc uống, ngày 1 thang. Chữa cảm phong hàn kèm theo người và các khớp xương đau nhức (có thấp).
Cảm phong hàn hay gặp trong mùa đông, do hàn tà nhiều và chính khí kém, phong hàn xâm phạm vào phần da, phế.
Bài 2: lá tía tô 80g, cà gai leo 80g, hương phụ 80g, trần bì 40g. Tán bột. Mỗi ngày uống 20g, hãm với nước sôi.
Bài 3: quế chi 12g, thược dược 12g, cam thảo 6g, sinh khương 12g, đại táo (xé nát) 12 quả. Sắc uống, ngày 1 thang. Dùng cho người sợ gió, sợ lạnh, người hâm hấp sốt, mồ hôi tự ra, thở mạnh, nôn khan.
Bài 4: hương phụ 80g, tử tô 80g, trần bì 40, cam thảo 20g. Tán bột. Ngày uống 12g, uống với nước ấm hoặc nước hãm với 3-5 lát gừng tươi. Trị cảm mạo, đau đầu, sốt, ngực bụng đầy trướng, ợ hơi, không muốn ăn.
Bài 5: sài hồ 40g, tiền hồ 40g, chỉ sác 40g, xuyên khung 40g, khương hoạt 40g, độc hoạt 40g, phục linh 40g, cát cánh 40g, cam thảo 20g, kinh giới 40g, phòng phong 40g. Tán thành bột. Ngày uống 12-20g hoặc sắc uống. Chữa cảm phong hàn kèm theo người và các khớp xương đau nhức (có thấp).
Bài 6: ma hoàng 6g, hạnh nhân 8g, quế chi 4g, cam thảo 4g. Sắc uống, ngày 1 thang. Dùng cho người nhức đầu, phát sốt, sợ gió, người và xương khớp đau mỏi, không có mồ hôi, thở khó (suyễn thở).
Bài 7: đun nồi nước xông với các dược liệu sau: lá chanh, lá bưởi, tía tô, kinh giới, bạc hà, sả, tràm, đại bi (chứa tinh dầu để sát khuẩn đường hô hấp); hành, tỏi, cúc tần… (có tác dụng kháng sinh); lá tre, lá duối (có tác dụng hạ sốt).
Rửa sạch dược liệu, cho vào nồi to, đun sôi một lát, gạn lấy 1 bát nước để riêng. Trùm chăn kín cả người và nồi thuốc, mở từ từ nắp nồi để hơi thuốc bay ra với độ nóng vừa phải, xông 30 phút đến 1 giờ, đến khi mồ hôi ra khắp người là được, lau sạch mồ hôi và mặc quần áo ấm, uống bát nước thuốc trên. Có thể uống kèm viên thuốc hạ sốt Tây y.
Chú ý: Xông trong phòng kín tránh gió lùa. Không dùng bài này cho người bị cảm mạo có mồ hôi.
Châm cứu: châm các huyệt phong môn, hợp cốc, khúc trì. Nếu nhức đầu châm thêm bách hội, thái dương; có ho châm xích trạch, thái uyên; ngạt mũi châm nghinh hương…
Nồi nước xông – bài thuốc dân gian hiệu quả trị cảm phong hàn.
Vị trí huyệt:
Bách hội: nằm ở điểm lõm ngay trên đỉnh đầu, là điểm giao của đường nối hai đỉnh vành tai với đường dọc cơ thể.
Nghinh hương: nằm bên cạnh cánh mũi, trên rãnh mũi má, cách cánh mũi khoảng nửa tấc (tương đương 0,8cm).
Phong môn: dưới mỏm gai đốt sống lưng 2, ra ngang 1,5 tấc.
Khúc trì: co khuỷu tay vào ngực, huyệt ở đầu lằn chỉ nếp gấp khuỷu, nơi bám của cơ ngửa dài, cơ quay 1, cơ ngửa ngắn khớp khuỷu.
Thái dương: chỗ lõm phía đuôi lông mày.
Xích trạch: gấp nếp khuỷu tay lại, huyệt ở chỗ lõm bờ ngoài gân cơ nhị đầu cánh tay, bờ trong phần trên cơ ngửa dài, cơ cánh tay trước.
Thái uyên: trên lằn chỉ ngang cổ tay, chỗ lõm trên động mạch tay quay, dưới huyệt là rãnh mạch tay quay.
Hợp cốc: khép ngón trỏ và ngón cái sát nhau, huyệt ở điểm cao nhất của cơ bắp ngón trỏ ngón cái.
BS. Tiểu Lan