Cách xử lý cơn ăn vạ của trẻ
Bạn có thể quàng tay qua vai hoặc nắm tay để trẻ bình tĩnh hơn, sau đó giải thích vấn đề và yêu cầu trẻ sửa chữa lỗi lầm.
Emily Edlynn, sống tại Illinois, Mỹ, là tác giả của blog nổi tiếng The Art and Science of Mom và là mẹ của ba con. Với kinh nghiệm của nhà tâm lý học tâm sàng, chuyên làm việc với trẻ em và thanh thiếu niên, Edlynn chia sẻ cách giải quyết đứa trẻ luôn ăn vạ khi bị mắng.
Trong buổi giao lưu với các gia đình, tôi được nghe chia sẻ từ một người mẹ. Cô nói con trai 4 tuổi luôn khóc, la hét mỗi khi bị khiển trách về điều gì đó. “Trong hầu hết trường hợp, thằng bé biết mình làm sai nhưng luôn ăn vạ khi bị mắng”, cô nói. Sau những lần đó, dù đứa trẻ xin lỗi, hứa không tái phạm, việc đó vẫn lặp lại. Người mẹ bày tỏ thái độ bất lực, cho rằng đây là vấn đề lớn và hỏi tôi nên làm gì.
Tôi nghĩ trẻ em rất nhạy cảm với những gì chúng nhận định là tốt đẹp, thú vị, sau đó lại bị người lớn phê bình. Việc này gây ra cảm xúc mạnh mà trẻ lại chưa có công cụ để quản lý và tiết chế. Khi hiểu được cách não trẻ hoạt động, có thể bạn sẽ tìm ra biện pháp giải quyết.
Hiểu về cách bộ não kiểm soát sự kích động
Bộ não của trẻ cần nhiều sức mạnh để quản lý cảm xúc và hành vi, trong khi khả năng kiểm soát sự kích động gần như không tồn tại. Trường hợp như bé trai 4 tuổi, bộ não cần được lên kế hoạch từ trước, ghi nhớ sự việc trước đó để không lặp lại sai lầm.
Tuy nhiên, đó là lý thuyết bởi thùy trán của trẻ, phần kiểm soát sự kích động, vẫn trong giai đoạn phát triển ban đầu nên việc hiểu và tuân thủ rất khó với một đứa trẻ 4 tuổi. Tôi chắc rằng con trai của bạn sẽ cảm thấy biết lỗi sau đó, nhưng có thể tái phạm trong lần sau một cách vô tư.
Phá vỡ chu kỳ
Tuy khó nhưng việc phá vỡ chu kỳ phạm lỗi – ăn vạ – xin lỗi – rồi tái phạm của trẻ vẫn có cách giải quyết. Bạn có thể nhìn thẳng vào mắt trẻ để thu hút sự chú ý, rồi nắm tay hoặc quàng tay qua vai trẻ. Hành động này nhằm dùng sự tiếp xúc thị giác, xúc giác để hệ thống thần kinh của trẻ bình tĩnh, gọi là điều hòa cảm xúc.
Sau đó, bạn hãy thể hiện mình đồng cảm và hiểu cảm xúc của trẻ với cách diễn đạt nhẹ nhàng, rồi bắt đầu giải thích vấn đề. Chẳng hạn “Có vẻ con cảm thấy thất vọng với em gái nên đã làm hỏng đồ chơi của em. Việc này khiến em rất buồn”. Cách tiếp cận này giúp trẻ cảm thấy được thấu hiểu và dễ dàng phản hồi, đưa giải thích thay vì ăn vạ hoặc phản ứng gay gắt với bạn.
Hãy cho trẻ cơ hội để tự sửa chữa hành vi. Ví dụ, nếu trẻ làm đổ ghế hoặc ném đồ chơi, bạn có thể nhắc trẻ nhặt lên thay vì vội vàng khiển trách. Sau một vài lần, trẻ sẽ xác định được cách điều chỉnh hành vi. Tôi từng gặp trẻ còn chủ động hỏi lại người lớn “Con có thể làm gì để giải quyết chuyện này?”.
Nếu trẻ có thái độ tốt, hãy khen ngợi những gì chúng làm. Đây là hành động cuối, kết thúc chuỗi tương tác tình cảm bạn vừa thực hiện. Ví dụ “Mẹ thực sự thích con đã lắng nghe vấn đề, dù còn cảm thấy khó chịu. Con đã làm rất tốt khi nhặt đồ chơi, chúng ta có thể bắt đầu mọi thứ vui vẻ”. Tình cảm tích cực và lời khen ngợi sẽ giúp trẻ muốn lặp lại việc này, càng thường xuyên càng tốt. Dần dần, việc la hét, khóc lóc hay ăn vạ sẽ được đẩy lùi.
Không đồng nhất trẻ với hành vi của chúng
Khi khiển trách trẻ, bạn chỉ nên phê bình “hành vi đó không đúng” thay vì nói “vì con làm sai nên con là đứa trẻ hư”. Trẻ có thể thấy tuyệt vọng, từ đó phản ứng dữ dội hơn. Bạn vẫn nên nhấn mạnh rằng bạn luôn dành tình yêu cho trẻ, cái cần loại bỏ là hành vi xấu, không phải tình yêu thương của bạn với trẻ.
Theo nhiều nghiên cứu, trẻ em có xu hướng phản ứng tích cực hơn với việc thay đổi hành vi khi chắc chắn rằng cha mẹ luôn yêu thương mình sâu sắc.
Thanh Hằng (Theo Parents)