Cha mẹ đừng vô tình làm tổn thương con
Cô bé mà tôi chia sẻ hình ảnh là con của một người bạn. Mẹ bé, một bà mẹ đơn thân, mạnh mẽ nuôi hai con gái nhỏ. Có lần đến thăm mẹ con chị, mắt tôi cay xè khi chạm vào kệ bát đũa nhà chị, mỗi chén bát, tô đĩa một kiểu xộc xệch không theo bộ với nhau. Giống y chạn chén bát của mẹ con tôi ngày tôi còn nhỏ, khi bố tôi đi xuất khẩu lao động, làm ăn thất bát, nhiều năm không gửi tiền về phụ vợ nuôi con. Ngày ấy, tôi có hỏi mẹ, sao nhà ông bà T, chú H… bát đĩa theo bộ rất đẹp, mà nhà mình lại mỗi thứ một kiểu lạc tông nhau? Mẹ nói, vì lâu lâu vỡ 1-2 cái, đi chợ mua chẳng còn kiểu cũ. Bỏ cái cũ đi mua nguyên bộ mới thì lãng phí, tiền đâu cho các con ăn học. Có những cái bát mòn vẹt cả đít vì tính tiết kiệm của mẹ.
Mặt tiền căn nhà của 3 mẹ con chị ở là tiệm tạp hóa nhỏ, với đủ thể loại bánh quy, xà bông, kem đánh răng, mỗi thứ một chút ít vì kinh doanh kiểu cò con, ít vốn. Cũng giống y như nhà tôi ngày nào. Có khác chút xíu là chị kê bàn làm việc ngay cạnh hàng tạp hóa, tưởng tượng và sống với thế giới nhân vật đủ mọi vui buồn, khổ đau, hạnh phúc của mình. Từ những sự liên quan ấy, không hiểu sao tôi thương chị ngay từ lần đầu tiên gặp mặt và cảm giác thân tình như gặp nhau từ lâu lắm. Tôi cũng như soi thấy tuổi thơ mình trong ánh mắt trong veo của hai cô con gái của bà mẹ bươn chải vất vả kia.
Trở lại chuyện khi chia sẻ tấm ảnh dự thi của bé, tôi hiểu rõ đó là một chiêu PR của ngôi trường bé học. Nhưng tôi không nghĩ vấn đề nghiêm trọng hay sâu sắc gì về chuyện ấy. Niềm vui khi nghĩ đến việc điểm số cuộc thi cao, nhiều người ủng hộ sẽ giúp cô bé mình thương có thể đường hoàng nhận được phần thưởng tương đối giá trị và bé sẽ có kỉ niệm đáng nhớ khi bước lên bục vinh quang nhận giải. Niềm vui ấy khiến tôi nhấn nút chia sẻ.
* * *
Chuyện cũng không có gì quá bận tâm nếu không phải vì đêm nay tôi mất ngủ, khi một chị bạn đồng hương, đồng môn với tôi bất thình lình nổi nóng. Chị thể hiện thái độ bức xúc và thất vọng khi tôi và mẹ của bé đều là những người viết văn nhưng lại có thể suy nghĩ giản đơn tới mức vì phần thưởng mà để trẻ con tiếp tay cho một trò PR. Theo chị, một người có uy tín trong nghề PR, bản chất của PR chỉ là những đánh bóng và dối trá.
Việc để trẻ con tiếp tay cho chiêu trò ấy, khi bé hiểu (mà có khi con bé 4 tuổi đã hiểu rồi đấy) sẽ có thể bị tổn thương. Tổn thương vì các mẹ không tự mình dành cho con những điều tốt đẹp mà phải vin theo, a dua vào những chiêu trò.
Tổn thương về sự thất bại có thể sẽ đến quá sớm ở lứa tuổi mà lẽ ra càng tránh xa thi thố nhan sắc càng tốt. Điều con cần ở tuổi thơ con không phải là bé xinh mà là một tâm hồn tươi vui, phong phú.
Nếu bé đạt giải, chuyện đạt giải hoàn toàn chắc chi đã là điều tốt, mà nhiều khả năng cao lại đưa đến sự tổn thương khác. Tổn thương khi không được sống bình thường, khi phải mặc chiếc áo khoác danh hiệu này, giải thưởng nọ. Chiếc áo ấy không phù hợp với tuổi hồn nhiên của con.
Chị nói với tôi rằng: “Em biết không, chị từng là hoa khôi cấp trường thời THPT đây. Dù là chuyện chị đạt giải là vì tài năng chứ không phải vì vẻ ngoài, nhưng cũng từ đó chị mang một tổn thương sâu sắc. Ý thức về cái tôi của mình quá lớn khi lỡ khoác trên vai danh hiệu sẽ là tổn thương đấy”. Cuộc sống của chị theo một con đường bất bình thường từ đó, cho tới lúc làm mẹ đơn thân. Và qua bao năm tháng đắng cay nếm đủ ở đời này thì thấy rõ rằng, phụ nữ hạnh phúc là được sống một cuộc sống bình thường. Rốt cùng, mình vẫn được nhiều người xem là giỏi giang, hiểu biết, có nhiều ưu điểm khác nữa, lại là đứa con làm cho bố mẹ buồn lòng nhất, vì mình không thể sống một cuộc đời bình thường…
Hạnh phúc của một người phụ nữ là được sống một cuộc đời bình thường. Bài học tưởng đơn giản, quen thuộc nhưng đêm nay khiến tôi suy nghĩ sâu sắc xen lẫn chút ngậm ngùi. Tôi rưng rưng nghĩ về cô bé tôi đã chia sẻ hình, nghĩ về hai bà mẹ đơn thân giống nhau ở tình thương con và khác nhau về quan điểm. Tôi cũng nghĩ về mình và con gái nhỏ tuổi lên 4…