Công dụng chữa bệnh của cây bảy lá 1 hoa
1. Tên gọi
Tên thường gọi: thất diệp nhất chi hoa, độc cước liên, thiết đăng đài, chi hoa đầu, tảo hưu, thảo hà xa.
Tên khoa học: Paris poluphylla Sm.
Họ khoa học: Thuộc họ Hành tỏi (Liliaceae).
2. Mô tả
Đặc điểm thực vật
Bảy lá một hoa là cây thuốc nam quý. Cây bảy lá một hoa là một loại cỏ nhỏ, có dạng rất khác biệt, sống lâu năm, thân rễ ngắn, dài chừng 5-15cm, đường kính 2.5-3.5cm rất nhiều đốt, khó bẻ, vết bẻ trông như có bột, màu vàng trắng hay xám vàng. Từ thân rễ nổi lên mặt đất một thân mọc thẳng đứng cao tới 1m, phía gốc có một số lá thoái hoá thành vẩy, bao lấy thân cây. Giữa thân có một tầng lá mọc vòng gồm 3 đến 10 lá, nhưng thường là 7 lá, cuống lá dài 2.5-3cm, phiến lá hình mác rộng, dài 15-21cm, rộng 4-8cm, đầu phiến lá nhọn, mép nguyên, hai mặt nhẵn, mặt dưới màu xanh nhạt, đôi khi có màu tím nhạt.
Hoa mọc đơn độc ở đỉnh cành, cuống hoa dài 15-30cm. Lá đài gồm 5 đến 10, thường là 7, màu xanh lá cây, dài 3-7cm, rời từng cái một trông như lá, không rụng. Số cánh tràng bằng số là đài. Nhụy màu tím đỏ, bầu thường 3 ngăn. Quả mọng màu tím đen. Mùa hoa vào các tháng 10-11
Thu hoạch
Có thể thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất vào thu đông, đào về rửa sạch, phơi khô.
Vùng trồng, cách trồng
Cây bảy lá một hoa được phát hiện gần đây tại các vùng núi Cúc Phương thuộc Hà Nam, Ninh Bình, Sa Pa (Lào Cai), Đà Bắc (Hoà Bình), Sơn Động (Hà Giang). Trước đây không thấy mô tả trong Bộ thực vật chí Đông Dương. Đầu năm 1934, Péctelot có phát hiện thấy quanh vùng Sa Pa nhiều loài khác nhau, nhưng chưa được khai thác sử dụng
Bộ phận dùng làm thuốc
Người ta thường dùng thân rễ với tên tảo hưu, đào về rửa sạch, phơi khô
3. Các thành phần hóa học
Trong tảo hưu người ta đã nghiên cứu thấy có chất glucozit, tính chất saponin gọi là paridin C16H28O7 và paristaphin C38H64O18 cũng là một glucozit.
Trong thân rễ và quả Paris quadrifolia L. người ta chiết được một glucozit gọi là paristaphin, khi thuỷ phân paristaphin sẽ cho glucoza và một glucozit mới gọi là pairdin, thuỷ phân paridin, ta lai được glucoza và một chất nhựa gọi là paridol.
4. Tác dụng dược lý
Theo Y học cổ truyền
Tảo hưu có tác dụng thanh nhiệt giải độc tiêu thũng, chỉ thống, tức phong định kinh (chống co giật). Dùng trị chứng ung nhọt sang độc, trùng rắn cắn, chấn thương chảy máu, tụ máu sưng đau, chứng can nhiệt sinh phong, kinh phong động kinh. Các sách Đông y kinh điển ghi chép về tác dụng của thuốc như sau:
– Sách Bổn kinh: “Chủ kinh giản lắc đầu lè lưỡi, bệnh điên, ung sang, khử độc rắn”.
– Sách Tân tu bản thảo: “Trộn giấm trị ung nhọt, sưng phù, đắp trị độc rắn”.
– Sách Bản thảo cầu nguyên: “Hoạt huyết, chỉ huyết, tiêu phù giải độc”.
Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại: thuốc có tác dụng
– Cầm ho, giảm cơn hen.
– Chất chiết xuất của thuốc có tác dụng ức chế hoạt tính của tinh trùng, cầm máu.
– Tác dụng kháng khuẩn: Thuốc có tác dụng ức chế với mức độ khác nhau đối với trực khuẩn lị, thương hàn, coli trực khuẩn, tụ cầu khuẩn vàng, liên cầu khuẩn dung huyết và não mô cầu (Tác dụng kháng khuẩn in vitro của Tảo hưu và Thanh quả Tây tạng – Tạp chí Trung y Giang tây 1959,7:31). Đồng thời có tác dụng ức chế Leptospira và virut cúm.
– Chống ung thư: Thuốc có tác dụng ức chế tế bào ung thư cổ tử cung di thực trên động vật thí nghiệm (theo báo cáo của Sở nghiên cứu Trung y (Trung quốc) về ảnh hưởng của 90 loại trung dược thảo trên tế bào ung thư di thực trên động vật: Tuyển tập Tư liệu khoa học kỹ thuật Viện nghiên cứu Trung y 1972 tr.136-144).
5. Tính vị quy kinh
Tính vị: Vị đắng, hơi hàn, có độc nhẹ
Quy kinh: Can
6. Công dụng – chủ trị
Bảy lá một hoa còn là một vị thuốc dùng trong phạm vi dân gian.
Theo đông y, vị tảo hưu (thân rễ của cây Bảy lá một hoa) có vị ngọt, hơi cay, tính bình không độc. Tác dụng chủ yếu của nó là thanh nhiệt giải độc.
Tại vùng Quảng Tây (Trung Quốc) trong nhân dân có câu ngạn ngữ “Ốc hữu nhất diệp nhất chi hoa/Độc xà bất tiến gia” nghĩa là trong nhà mà có cây bảy lá một hoa thì rắn độc không vào được. Ngoài công dụng chữa sốt và rắn độc, vị tảo hưu còn dùng chữa mụn nhọt, viêm tuyến vú, sốt rét, ho lao, ho lâu ngày, hen xuyễn, dùng ngoài thì giã đắp lên những nơi sưng đau.
7. Liều dùng – kiêng kỵ
Ngày dùng 4-12g dưới dạng thuốc sắc. Dùng ngoài không kể liều lượng.
Thận trọng đối với các chứng hư và phụ nữ có thai.
8. Ứng dụng lâm sàng
8.1 Trị ung nhọt sưng tấy
Thuốc giã nát trộn dấm đắp ngoài.
8.2 Trị rắn độc cắn
Dùng Tảo hưu đắp ngoài và uống trong với Bán biên liên. Tảo hưu 4 – 8g, Thanh mộc hương 4g, nhai sống uống với nước sôi nguội, ngoài dùng thuốc giã với dấm đắp lên vùng rắn cắn.
Trị ung nhọt, áp xe vú, quai bị, loa lịch (lao hạch cổ)
Trị ung nhọt, áp xe vú, quai bị, loa lịch (lao hạch cổ)
Tảo hưu 8g, Bồ công anh 40g, sắc uống, ngoài đắp thuốc.
8.3 Trị viêm phế quản mạn tính
Dùng viên Tảo hưu (bột thuốc sống làm viên) mỗi lần uống 3g, ngày 2 lần trị 92 ca và dùng chất chiết xuất của Tảo hưu làm viên 0,15g (tương đương thuốc sống 1g) mỗi lần uống 3 viên, ngày 2 lần. Trị 106 ca khác đều có kết quả nhất định; loại sau kết quả có khá hơn (Thông tin Trung thảo dược Tứ xuyên 1973,3:31).
8.4 Trị viêm tĩnh mạch
Lý Quân dùng Tảo hưu giã nát với giấm đắp lên vùng viêm tĩnh mạch do tiêm thuốc chống ung thư, 30 ca kết qua tốt (Tạp chí Tân trung y 1987,2:17).
8.5 Trị các bệnh viêm não, hội chứng nhiễm trùng cấp
Sốt cao, co giật, sốt rét gia Tảo hưu để thanh nhiệt giải độc, dùng bài: Bảy lá một hoa thang
Thất diệp nhất chi hoa 12g, Kim ngân hoa 12g, Bạch cúc 12g, Mạch môn 8g, Thanh mộc hương 4g (cho sau) sắc nước uống.
8.6 Trị đàn ông tuyến vú có hòn cục
Trần Hiệu Liên dùng bột Tảo hưu hòa mật ong bôi ngày một lần uống thêm thuốc trong theo biện chứng, theo dõi 9 ca, khỏi 8 ca (Tạp chí Quảng châu Y dược 1984,6:25).
8.7 Trị xuất huyết tử cung cơ năng
Điền Khải và cộng sự dùng bột nghiền Tảo hưu chiết chế thành viên bọc (tương đương 2g thuốc sống) mỗi lần uống 2 viên, ngày 3 – 4 lần, theo dõi 122 ca xuất huyết tử cung cơ năng, 103 ca kinh nguyệt nhiều, tỷ lệ có kết quả 95,3% (thuốc có tác dụng co tử cung mạnh hơn Ích mẫu thảo) (Tạp chí Trung y 1984,3:37).
8.8 Thuốc còn được dùng
Điều trị nhiều chứng bệnh như viêm mũi dị ứng, hen suyễn, viêm gan, lao phổi, sởi biến chứng viêm phổi.
Hoa Ánh