Hà Giang – Nét đẹp nơi địa đầu đất nước
Hà Giang – một tỉnh miền núi phía Bắc ở nước ta với những cung đường đèo quanh co, những bản làng dân tộc vùng cao đậm nét văn hóa truyền thống. Dù mang địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt nhưng hàng triệu con người trên khắp mọi miền Tổ quốc, quanh năm vẫn luôn nhộn nhịp đến với Hà Giang để tận mắt ngắm những cánh đồng hoa tam giác mạch, hoa cải, hoa mận, hoa mơ, tự mình trải nghiệm, chinh phục những cung đường đèo bậc nhất vùng biên cương địa đầu Tổ quốc.
Một góc hình ảnh cao nguyên, đồi núi Hà Giang. |
Khung cảnh đường đèo khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn. |
Cao nguyên đá Đồng Văn nằm ở cực Bắc Việt Nam, diện tích trải rộng trên 4 huyện miền núi phía Bắc của tỉnh Hà Giang bao gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Cao nguyên đá có tổng diện tích khoảng 2.345km2 được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu đầu tiên của Việt Nam vào năm 2010. Với trên 60% diện tích là đá vôi ở độ cao trung bình trên 1.000m so với mực nước biển. Tham quan cao nguyên, du khách sẽ choáng ngợp trước thiên nhiên hùng vĩ với những hẻm vực sâu, những vách đá dựng đứng, rừng đá, những cung đường treo leo ẩn hiện trong mây…
Hình ảnh người đồng bào dân tộc – Cao nguyên đá Đồng Văn. |
Cao nguyên đá Đồng Văn là nơi sinh sống của 17 dân tộc ít người như: Mông, Dao, Tày, Nùng, Lô Lô, Giáy, La Chí, Pu Péo… Các dân tộc sinh sống ở cao nguyên có nhiều truyền thống văn hóa mang đậm đà bản sắc dân tộc.
Phố cổ Đồng Văn (thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang). |
Phố cổ Đồng Văn – một địa điểm du khách không thể bỏ qua khi đến với Hà Giang. Khu phố cổ nằm giữa không gian núi rừng hoang sơ, bốn bề được bao bọc bởi các dãy núi đá bạc. Với ba dãy chợ được xây bằng đá từ những năm 20 của thế kỷ XIX. Và khoảng 40 căn nhà trình tường lợp ngói âm dương, du khách sẽ cảm nhận được lối kiến trúc mang đậm chất cổ kính được gìn giữ qua hàng chục năm.
Phố cổ Đồng Văn vào những ngày cuối năm, thời tiết khá lạnh. Du khách có thể tham gia nhiều lễ hội cuối năm, tham quan mua sắm nhiều sản vật, thưởng thức ẩm thực đặc sắc của riêng người đồng bào nơi đây.
Bảo tàng con đường Hạnh Phúc (trên đèo Mã Pì Lèng). |
Tượng đài thanh niên xung phong mở đường Hạnh Phúc (trên đèo Mã Pì Lèng). |
Con đường Hạnh Phúc (Quốc lộ 4C) dài 185km nối từ thành phố Hà Giang đến 4 huyện vùng núi phía Bắc của tỉnh bao gồm: Quản Bạ, Đồng Văn, Yên Ninh, Mèo Vạc. Con đường Hạnh Phúc do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên, nơi khắc ghi dấu ấn của hàng nghìn thanh niên xung phong hy sinh xương máu để mở đường. Đây được xem là tuyến đường thể hiện sức mạnh và ý chí của con người trước những khắc nghiệt của thiên nhiên hùng vĩ.
Đi dọc cung đường này (đèo Mã Pì Lèng), du khách sẽ bắt gặp Bảo tàng con đường Hạnh Phúc nằm dưới chân Tượng đài thanh niên xung phong mở đường Hạnh Phúc. Hai công trình mang nhiều giá trị lịch sử, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống anh hùng của dân tộc ta qua nhiều thế hệ.
Sông Nho Quế góc nhìn từ trên cao. |
Thượng nguồn của dòng sông Nho Quế bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) chảy vào Việt Nam tại xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Ngoài việc mang trên mình vẻ đẹp của một thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Sông Nho Quế còn mang dấu ấn của nhiều thế hệ cha ông người Việt bám trụ, gìn giữ đất nước nơi vùng biên.
Từ trên cao, tại điểm dừng chân đèo Mã Pì Lèng, du khách có thể ngắm toàn cảnh đoạn dài của dòng sông này. Ngoài ra, du khách có thể lựa chọn cảm nhận cảnh đẹp của sông Nho Quế với hình thức đi thuyền ở hai bến thuyền Tà Làng và Xín Cái (Mèo Vạc).
Khu dinh thự họ Vương – Nhà vua Mèo (xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang). |
Khu dinh thự của vua Mèo (nhà Vương) có tổng diện tích gần 3.000m2, được xây dựng khởi công vào năm 1898 và hoàn thành năm 1907 (mất 9 năm xây dựng). Khu dinh thự cách thị trấn Đồng Văn khoảng 24km, là một tuyệt tác do con người tạo ra. Vua mèo Vương Đức Chính là người cho xây dựng dinh thự này, đây từng được xem là nơi quyền uy nhất của vùng đất phía Bắc Tổ quốc. (Vương Chính Đức được suy tôn làm thủ lĩnh tổ chức Hươu nai của người H’ Mông ở Đồng Văn để chống lại quân cờ Đen của Trung Quốc).
Toàn cảnh ngôi nhà truyền thống của dân tộc Mông (ngôi nhà bước ra từ trong phim “Nhà của Pao”). |
Đây là ngôi nhà tiêu biểu cho lối kiến trúc truyền thống đặc trưng của dân tộc Mông tại thung lũng Sủng Là, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Toàn bộ khu nhà là một tổ hợp kiến trúc hoàn chỉnh khép kín theo 4 hướng, chính giữa là sân trời. Nhà có “tường trình” bằng đất, mái lợp ngói âm dương, cửa gỗ. Bao quanh khuôn viên nhà là tường làm bằng đá. Kiểu kiến trúc phù hợp với phong tục tập quán truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt nơi vùng Cao nguyên đá Đồng Văn.
Theo Baoxaydung.com.vn