Nguồn gốc, ý nghĩa ngày 19/11
Ý tưởng về một ngày lễ dành cho đàn ông được hình thành từ tháng 2 năm 1991, được đề xuất một năm sau đó bởi người có tên là Thomas Oaster. Tuy nhiên mãi đến năm 1999, Ngày Quốc tế Nam giới mới chính thức được tổ chức lần đầu tại Trinidad và Tobago bởi Tiến sĩ Jerome Teelucksingh.
Ông chọn ngày 19.11 để tưởng nhớ đến sinh nhật của người cha đồng thời kỉ niệm những nỗ lực phi thường trong việc giành vé vào vòng chung kết Worldcup của đội tuyển bóng đá nam Trinidad và Tobago ngày 19.11.1989.
Tiến sĩ Teelucksingh cho rằng ông và các cộng sự đang đấu tranh cho bình đẳng giới, từng bước loại bỏ những hình ảnh tiêu cực gắn liền với nam giới trong xã hội.
Sau đó, sáng kiến này được Liên Hợp Quốc cùng các tổ chức hoạt động về giới ở Mỹ, châu Âu, châu Á, châu Phi và vùng Caribe ủng hộ.
Tại Việt nam, ngày Quốc tế Đàn ông còn khá lạ lẫm với nhiều người nhưng trên thực tế, ngày đặc biệt của nam giới này đã được tổ chức tại hơn 170 quốc gia như: Nam Phi, Áo, Đan Mạch, Ấn Độ, Singapore, Malta, Trinidad và Tobago, Jamaica…
Ngày Quốc tế Đàn ông được tổ chức với mục đích chính là chăm lo cho sức khỏe của nam giới và trẻ em nam; tập trung vào nhận thức về phân biệt đối xử và các vấn đề nam giới thường bị bỏ qua. Chúng bao gồm các lĩnh vực như sức khỏe tâm thần, nam tính độc hại và tỷ lệ nam giới tự tử.
Trên trang web chính thức của mình, sự kiện này tuyên bố rằng 19.11 là ngày “tập trung vào sức khỏe nam giới và trẻ em trai, cải thiện quan hệ giới, thúc đẩy bình đẳng giới và nêu bật hình mẫu tích cực của nam giới”.
Thêm vào đó, ngày Quốc tế Đàn ông là một cơ hội để những người có thiện chí ở khắp mọi nơi đánh giá cao và tôn vinh những người đàn ông trong cuộc sống của họ, đóng góp của họ cho xã hội vì lợi ích lớn hơn của tất cả mọi người.
Ngày này cũng là “một diễn đàn để nâng cao nhận thức về những thách thức mà nam giới phải đối mặt trong cuộc sống – đặc biệt là liên quan đến tỷ lệ nam giới tự tử quốc tế”.