Sắc xuân trên cao nguyên đá

Nhiếp ảnh gia Lê Việt Khánh thường độc hành cùng chiếc xe máy săn ảnh khắp nẻo đường. Đi xe máy có thể chui sâu vào các đường nhỏ, đi sâu vào các bản bên trong, Lao Xa, Sảng Tủng, Lá Xỉe, Mao Túa Xủng, Sủng Pờ… Bởi chỉ có lùng sục trong những nơi thâm sơn cùng cốc ấy mới co thể tìm thấy những cây đào cổ thụ đẹp đến nao lòng.

Lê Việt Khánh là nhiếp ảnh gia tự do chuyên chụp ảnh phong cảnh, cuộc sống và văn hóa. Với những góc máy đẹp, thiên về thẩm mỹ, anh được bạn bè, đồng nghiệp trong giới yêu mến đặt cho nickname là “Sói sầu” với hàm ý khi chụp, anh là một tay máy “nguy hiểm” y như loài sói vậy. Theo đuổi con đường nhiếp ảnh chuyên nghiệp từ 10 năm nay, Lê Việt Khánh gặt hái được nhiều thành công với nhiều giải thưởng danh tiếng trong nước và quốc tế.

Anh đi nhiều, chụp nhiều cảnh đẹp ở khắp mọi miền Tổ quốc, nhưng luôn dành một tình cảm đặc biệt đối với vùng cao Hà Giang. Với tầm nhìn phóng khoáng, tinh tế, đầy cảm xúc, ống kính của anh ghi lại những hình ảnh tuyệt đẹp về thiên nhiên, rừng núi và con người nơi đây. Mỗi năm, anh thường trở lại Hà Giang bắt đầu bằng những ngày sau Tết, khi những bông đào rừng đua nhau khoe sắc trên miền biên cương hùng vĩ của Tổ quốc.

Theo nhiếp ảnh gia Lê Việt Khánh, thời điểm chụp hoa đào ở Hà Giang đẹp nhất là qua sau Tết Nguyên đán, khi cái lạnh trên vùng cao nguyên đá dần tan biến, những nụ hoa đào mới bắt đầu bung nở. Hoa đào ở Hà Giang thường nở muộn hơn đào dưới xuôi. Do thời tiết trên những vùng núi cao Hà Giang thường rất lạnh, nên những cây đào thường ngậm nụ rất lâu. Chỉ khi có nắng, thời tiết ấm lên, hoa đào mới bung nở rực rỡ.

Nhiếp ảnh gia Lê Việt Khánh thường độc hành cùng chiếc xe máy săn ảnh khắp nẻo đường. Đi xe máy có thể chui sâu vào các đường nhỏ, đi sâu vào các bản bên trong, Lao Xa, Sảng Tủng, Lá Xỉe, Mao Túa Xủng, Sủng Pờ… Bởi chỉ có lùng sục trong những nơi thâm sơn cùng cốc ấy mới co thể tìm thấy những cây đào cổ thụ đẹp đến nao lòng.

Lần đầu đến với bản Lao Xa (Đồng Văn, Hà Giang), Lê Việt Khánh kể, anh cảm thấy mình như lạc vào miền cổ tích. Hồi ấy chỉ có con đường đất nhỏ trơn trượt, anh phải đi bộ vào mất khoảng 4 tiếng. Và khi đến nơi, cảnh sắc hiện ra trước mắt khiến anh cảm thấy choáng ngợp. Những ngôi nhà trình tường của người Mông lợp mái ngói âm dương mầu màu nâu sẫm nổi chìm ẩn hiện trong sắc đỏ của những vườn đào, chen vào đó là những cây mận nở hoa trắng muốt.

“Chui rúc lùng sục thật sâu mới thấy hóa ra những thứ mình biết về Hà Giang còn quá ít ỏi. Có khi mình chui vào một con đường đất mà không biết nó dẫn đến đâu. Cứ thế chạy tà tà vào bản, lùng sục vào từng ngõ ngách, theo những con đường mòn bé tí teo dốc ngược lên đỉnh núi. Bên trong những con đường nhỏ rẽ ngang rẽ ngửa chui tuốt luốt vẫn còn nhiều góc lắm mà mình giờ mới biết”, Lê Việt Khánh nói.

Hà Giang vốn dĩ mùa nào cũng đẹp, nhưng những ngày xuân, vẻ đẹp của mảnh đất địa đầu Tổ quốc này được tô điểm bằng màu sắc mộng mơ của hoa đào. Anh bông đùa, có những chuyến đi Hà Giang, “chụp to cả tay, ngón trỏ suýt liệt bấm hơn 4000 files ảnh về nhà mang ra làm 2 tháng vẫn không hết”.

Theo nhiếp ảnh gia Lê Việt Khánh, chụp ảnh hoa đào, thứ không thể thiếu là nắng. Vùng cao Hà Giang vào mùa xuân trời thường âm u, xám xịt. Khi không có nắng, cánh hoa đào không thể bong ra được. Anh từng phải chờ một tia nắng xuất hiện trong cả tuần. Trong những ngày ấy, anh phải đi khảo sát hết các khu vực mình muốn chụp. Ví dụ thấy một cây đào đẹp mọc bên bờ đá mà chưa có nắng, anh giở la bàn ra xem nắng hướng Đông – Tây như thế nào? Bố cục ngược nắng ra sao? Anh cũng phải tính toán mấy giờ có mặt trời, khi nào nắng sẽ tắt? Nhìn xung quanh xem có ngọn núi nào quá cao hay không? Nếu chụp bình minh từ hướng Đông mà có ngọn núi cao quá chắn mặt trời thì cứ ngủ đã, có khi 8 giờ sáng mặt trời mới lên. Hoặc  nếu chụp về hướng Tây, có khi 3 rưỡi chiều nắng đã khuất núi, 4 giờ đi chụp thì thất bại hoàn toàn.

Anh kiên trì chờ cho được ngày có nắng, đúng thời gian đã xem, đúng hướng sáng trên la bàn, quay lại để bấm máy.

Anh kể về những chuyến đi thất thủ không chụp nổi một tấm ảnh. Chuyến nào mang về được 1-2 tấm ổn ổn là thỏa mãn lắm rồi. Có những chiều nắng hiếm hoi chỉ có thể chụp được 1-2 góc ảnh. “Những góc khác cho dù đẹp hơn, nếu không có nắng, tôi cũng đóng máy không chụp. Ảnh chỉ vứt đi”, anh nói.

Có ngày ở Sảng Tủng vào một chiều muộn, vừa chụp thử góc được mấy kiểu thì tắt nắng. Anh định bụng hôm sau sẽ quay lại bố trí góc này cẩn thận nhưng rồi đó là những giọt nắng cuối cùng anh nhìn thấy ở đây. Đêm hôm đó gió mùa về, thế là mù tịt hết tất cả.

Anh kể, có lần cố thủ ở Sủng Là tới 7 ngày mà không có nổi một tia nắng, anh chán nản định đi về, nhưng sau khi xem thời tiết, thấy sau 2 ngày nữa sẽ có 2 ngày nắng. Anh quyết định sẽ ở lại thêm để chờ.

“Đến ngày đài báo có nắng, ngay từ sáng sớm chúng tôi đã thức dậy để đi chụp bình minh, nhưng ai ngờ, cả ngày hôm đó xịt. Nên cả nhóm chán quá quyết định chiều hôm đó sẽ về. Cả ngày hôm ấy tôi tâm tư quá, đã chờ được 10 ngày ở đây rồi, tại sao không chờ thêm một hai ngày nữa. Nhỡ dự báo bị chậm, mai nó lại nắng tưng bừng thì sao? Thế là vào phút quyết định, tôi ở lại! “Nhiếp có công trời không phụ”, ngày hôm sau bọn tôi vứt hết đống ảnh chụp 10 ngày trước đó và chụp lại từ đầu!”, anh chia sẻ.

Vào những chiều có nắng, Lê Việt Khánh thường sục sạo vào sâu trong các bản ven đường biên giới Việt – Trung, vứt xe ở một góc nào đó, rảo bước đi bộ vào những con đường mòn rất nhỏ, quanh co, chạy luồn lách đằng sau những căn nhà trình tường đắp đất. Nơi đó, con đường ẩn mình trong những vạt ngô cao hơn đầu người, lẩn khuất trong heo hút ngóc ngách nơi thâm sơn.

Nhưng ngoài những ngày có nắng, anh nói ở Hà Giang, có những ngày mù đặc chụp cũng rất tình. Khi vườn đào ẩn hiện lớp lang qua những màn sương mờ ảo. Đấy mới thực sự là cái hồn, cái tình của Hà Giang. Ảnh có nắng rất đẹp, rất lung linh nhưng những ngày mù đặc, lạnh lẽo mới thật sự mang hơi thở của núi rừng.

Lê Việt Khánh đi Hà Giang chụp ảnh nhiều như vậy, tôi hỏi rằng, liệu anh có chán không? Vẫn mãi những cây đào ấy, những góc ảnh ấy. Anh thành thật trả lời: “Tôi đi nhiều quá rồi, cho nên mỗi năm, cảm xúc cũng nhạt đi một chút. Đó là điều tất nhiên thôi. Lần đầu bao giờ cảm xúc cũng mãnh liệt hơn những lần sau. Nếu ai nói năm nào đi cũng vẹn nguyên cảm xúc, có thể người đó quá dạt dào, hoặc người ta bịa”.

Nhưng anh không sợ chán, anh chỉ sợ rằng một ngày lên không còn đào để chụp nữa. Điều Lê Việt Khánh trăn trở, tiếc nuối, đó là mỗi năm anh quay trở lại chụp ảnh hoa đào ở Hà Giang, lại thấy mất đi một vài cây. Khác với Mộc Châu người dân trồng đào để bán, nên năm nào họ cũng trồng mới, có khi năm nay lên thấy đào đẹp hơn năm ngoái, nhưng ở Hà Giang thì chỉ thấy chặt đi thôi chứ không trồng mới.

“Người dân chỉ biết rằng, có cây đào đẹp ông cha trồng, bây giờ bán được tiền thì cứ chặt thôi. Đối với họ, mấy triệu to lắm, bán một cây đào thì sẽ có một cái Tết ấm no. Họ không có tư duy trồng để bán. Không trồng mới nên đào cứ biến mất dần. Mỗi năm lên, tôi lại thấy Hà Giang xơ xác hơn. Đó là điều tôi thấy buồn nhất”, anh nói.

Lê Việt Khánh chia sẻ, nhiều năm nay, cứ đến Tết anh lại hô hào khẩu hiệu “Nói không với đào rừng”. Nhưng “Nói không với đào rừng” ít được quan tâm, chia sẻ, ủng hộ. Bởi vì quá ít người bị ảnh hưởng bởi những tổn thương do việc chặt đào gây ra. Có thể chỉ những kẻ duy mỹ như anh mới bị tổn thương nhiều nhất. Không những thế, có nhiều phản biện lại khiến cho anh cũng suy nghĩ, đắn đo rất nhiều. Rằng bây giờ làm gì còn đào rừng? Dân họ trồng cả đấy, họ trồng thì họ muốn bán thì bán. Họ bán bao nhiêu, đổi lấy bữa cơm hay chén rượu thì đó là việc của họ, quyền của họ. Anh có quyền gì mà cấm cản? Ảnh hưởng đến bát cơm của họ?

Đầu năm 2020, khi lên Lao Xa chẳng còn gì, ngoài một bản làng khô khốc thiếu vắng sắc màu, Lê Việt Khánh đã “đánh liều” liên lạc với Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, nêu ý tưởng lập quỹ, huy động tiền để vận động bà con trồng lại toàn bộ cây đào ở thôn Lao Xa.

“Mục đích là để Nhiếp ảnh gia chúng tôi có lại những góc ảnh đẹp, tìm lại được khung cảnh đã từng rất đẹp ngày xưa. Còn địa phương thì có thêm một điểm du lịch  nổi bật có thể nâng cao đời sống của bà con, đó cũng là điểm nhấn cho bức tranh du lịch chung của huyện Đồng Văn”, anh nói.

Khi ý tưởng này được Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn ủng hộ, tạo điều kiện cho anh kết nối với Chủ tịch UBND xã Sủng Là, phối hợp triển khai dự án trồng thêm nhiều cây đào tạo cảnh quan ở thôn Lao Xa. Anh vận động trên facebook, anh em nhiếp ảnh mỗi người ủng hộ 1, 2 cây đào, mỗi cây 500.000đ. Tiền đóng góp của mọi người được gửi thẳng vào tài khoản của UBND xã Sủng Là. Xã Sủng Là có nhiệm vụ vận động bà con, mua cây giống, trồng lại vào những chỗ mà anh chỉ. Các cây con đang lên. Cây đào mất khoảng 5-7 năm mới to đẹp, bung hoa rực rỡ. Lê Việt Khánh hy vọng trong tương lai, khung cảnh thần tiên năm nào sẽ lại được tái hiện.

Anh kể, “đi Y Tý mỗi năm thấy đào đẹp hẳn, nhiều hơn hẳn, là đào dân trồng cả đấy. Để được như vậy cho các nhiếp ảnh gia chụp, không phải tự nhiên mà có. Đó là cả một quá trình vận động từ các cấp chính quyền để thay đổi nhận thức cho người dân. Để họ thấy rằng họ không giàu lên được chỉ từ việc chặt cây đào đổi lấy một vài triệu. Mà giữ cây đào lại, họ có thể giàu lên bằng cách khác”.

“Đến một ngày, thay vì phải đưa cho người dân 1 triệu, để chặt xuống cây đào hiếm hoi còn sót lại. Các nhiếp ảnh gia có thể trả tiền mua vé qua cổng để vào làng Lao Sa chụp ảnh. Nơi đó, ngập tràn những sắc đào, sắc mận bên những hàng rào đá, những mảng tường đất óng vàng trong nắng. Những người dân sẵn lòng làm mẫu cho các nghệ sĩ chụp chỉ với mức bồi dưỡng rất phải chăng. Các nhiếp ảnh gia có thể chụp bét nhè giữa nụ cười thoải mái của người dân khi họ thấy những giá trị thiết thực của việc trồng đào, giữ đào mang lại. Nếu như có sự đồng lòng góp sức thì không có lý gì Lao Xa không trở lại rực rỡ sau vài năm nữa” Lê Việt Khánh chia sẻ./.


Thực hiện: Hà Phương/VOV.VN