Hoàng Công Gia Bảo – Nam sinh Nghệ An giành vòng nguyệt quế Olympia
Cuộc thi tuần đầu tiên tháng 3 quý IV Đường lên đỉnh Olympia diễn ra chiều 22/8 với bốn thí sinh tranh tài: Phạm Bùi Hải Đăng (THPT Gia Viễn A, Ninh Bình), Hoàng Hồng Đức (THPT Lương Văn Tri, Lạng Sơn), Phạm Việt Hoàng (THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội) và Hoàng Công Gia Bảo (THPT Nguyễn Duy Trinh, Nghệ An).
Trong phần thi Khởi động, Gia Bảo nhanh chóng tạo được ấn tượng khi trả lời đúng 9 câu hỏi, mang về 90 điểm, tạm dẫn đầu đoàn leo núi. Tiếp đến Hải Đăng 70 điểm, Việt Hoàng 60 điểm, Hồng Đức 50 điểm.
Bước vào phần thi Vượt chướng ngại vật. Từ khóa cần tìm cho bốn nhà leo núi gồm ba chữ cái. Hàng ngang đầu tiên được lựa chọn có câu hỏi: “Cách mạng Tân Hợi – cuộc cách mạng dân chủ tư sản đã lật đổ triều đại Mãn Thanh, chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế ở Trung Quốc, diễn ra vào năm nào?” Hai thí sinh Hồng Đức và Gia Bảo cùng ghi điểm với đáp án là “1911”.
Hàng ngang thứ hai được lựa chọn có câu hỏi: “Từ Hán – Việt nào có nghĩa là tên gọi bí mật của một cá nhân nào đó?”. Khi chưa hết thời gian trả lời hàng ngang thứ hai, Gia Bảo nhanh tay bấm chuông giành quyền trả lời từ khoá của phần thi. Tuy nhiên, thí sinh này chưa đưa ra được đáp án chính và phải tạm dừng phần chơi Vượt chướng ngại vật.
Hàng ngang thứ ba được lựa chọn có câu hỏi: “Từ nào còn thiếu trong khẩu hiệu sau: “… ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng?”. Ba thí sinh Hải Đăng và Hồng Đức tiếp tục giành được điểm khi cùng đưa ra đáp án chính xác “Quân đội”.
Hàng ngang thứ tư được lựa chọn có câu hỏi: “NSƯT Tiến Hợi là người đã thể hiện hình tượng nhân vật nào trong các tác phẩm kịch, phim như: Đêm trắng, Hà nội mùa đông năm 46, Hẹn gặp lại Sài Gòn? Hải Đăng và Việt Hoàng ghi điểm “Hồ Chí Minh”.
Ngay sau câu hỏi này, Việt Hoàng và Hải Đăng nhấn chuông giành quyền trả lời từ khóa. Hai thí sinh này tiếp tục không đưa ra đáp án đúng và tạm dừng cuộc chơi giống như Gia Bảo.
Hồng Đức là thí sinh cuối cùng có quyền trả lời câu hỏi cuối trong phần thi vượt chướng ngại vật. Với đáp đáp án “Võ Nguyên Giáp” ở câu hỏi: “Vị danh tướng nào của nước ta từng nói: “Nghệ thuật quân sự của chúng tôi, là lấy tinh thần chế ngự vật chất, lấy yếu chế ngự mạnh, lấy thô sơ chế ngự hiện đại”, Hồng Đức giành được điểm. Tiếp đó, cậu cũng giải được từ khóa cần tìm là của phần thi này là “Văn” (bí danh của đại tướng Võ Nguyên Giáp).
Kết thúc phần thi, Hải Đăng, Hồng Đức và Gia Bảo cùng được 100 điểm, Việt Hoàng tạm đứng cuối với 70 điểm.
Ở phần thi Tăng tốc, điểm số của các thí sinh có nhiều sự thay đổi. Trong đó, Gia Bảo vươn lên mạnh mẽ với 250 điểm. Việt Hoàng 180 điểm, Hải Đăng 160 điểm và Hồng Đức 140 điểm.
Phần thi Về đích, Gia Bảo là thí sinh thi đầu tiên dự thi, lựa chọn gói điểm 10 – 20 – 20. Gia Bảo trả lời chính xác 2/3 câu hỏi để nâng điểm số lên 280.
Việt Hoàng lựa chọn gói điểm 30 – 20 – 20 và chọn ngôi sao hy vọng cho câu đầu tiên. Cậu ghi điểm câu đầu tiên và câu thứ ba; câu thứ hai để Hải Đăng ghi điểm. Cậu về chỗ với 240 điểm.
Hải Đăng có 180 điểm, chọn ba câu 30 điểm và Ngôi sao hy vọng câu cuối cùng. Cậu trả lời được 2/3 câu hỏi và về chỗ với 270 điểm.
Hồng Đức lựa chọn gói điểm 20 – 30 – 10, nhưng không thành công trong việc cải thiện điểm số. Gia Bảo đã tận dụng tốt cơ hội để có thêm 20 điểm.
Kết quả chung cuộc, Hoàng Công Gia Bảo (THPT Nguyễn Duy Trinh, Nghệ An) giành vòng nguyệt quế với 300 điểm. Phạm Bùi Hải Đăng (THPT Gia Viễn A, Ninh Bình) về nhì với số điểm tương đối cao là 280, do đó vẫn có cơ hội đi tiếp vào cuộc thi tháng.
Cùng về vị trí thứ ba, Phạm Việt Hoàng (THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội) 225 điểm và Hoàng Hồng Đức (THPT Lương Văn Tri, Lạng Sơn) 80 điểm.
Phương Anh/TH