Tinh dầu tràm: Sát khuẩn, giải cảm, giảm đau
Bệnh truyền nhiễm phát sinh ở cả 4 mùa trong năm nhưng thường gặp nhiều hơn vào 2 mùa đông và xuân, đặc biệt là lúc giao mùa.
Bộ Y tế chuẩn bị kế hoạch triển khai tiêm chủng vắc-xin COVID-19 đây là chiến dịch tiêm chủng lớn với hơn 100 triệu liều nhằm đưa cuộc sống trở lại bình thường, giảm tác động của đại dịch COVID-19 đến đời sống. Tuy nhiên vì bản thân, vì cộng đồng, phòng đại dịch, phòng chống cảm mạo bên cạnh việc dùng thuốc, không dùng thuốc không thể không nói đến thuốc nội ẩm ngoại đồ (xông, xoa…) được bào chế bằng nhiều loại dược liệu khác nhau sử dụng tinh dầu thiên nhiên.
Để hỗ trợ điều trị chăm sóc sức khỏe nói chung và phòng chống cảm mạo nói riêng – tinh dầu tràm, tinh dầu quế, tinh dầu bạc hà, tinh dầu long não và tinh dầu hương nhu thường được dùng hơn cả.
Tinh dầu tràm: chứa cineole đạt ít nhất trên 60%. Ngoài ra còn giàu các terpineol, linalool, limonen. Có tác dụng sát khuẩn đường hô hấp, giảm đau, chống viêm, long đờm… thường được dùng trong xoa bóp chữa đau nhức, ho, cảm mạọ, dạng xông chữa viêm họng, chữa cảm cúm, hen suyễn, ho gà…
Cây tràm cho tinh dầu tràm sát khuẩn đường hô hấp, giảm đau, chống viêm…
Tinh dầu quế: là tinh dầu 1-3% (Dược điển Việt Nam III quy định không dưới 1%) có thành phần chính là aldehyd cinnamic (không dưới 85%). Ngoài ra, thành phần của tinh dầu quế còn gồm các hợp chất như diterpenoid, phenylglycosid, flavonoid, tanin và coumarin. Tinh dầu quế vị cay ngọt, tính ấm, có tác dụng phát hãn giải biểu (làm ra mồ hôi), ôn kinh thông dương, sát khuẩn, kích thích hệ thống thần kinh, tiêu hóa, tăng cường lưu thông máu, thúc đẩy nhu động ruột, dùng đặc biệt tốt cho những trường hợp cảm mạo không ra mồ hôi.
Tinh dầu bạc hà: có màu vàng nhạt, mùi hương the mát tinh khiết và đem lại cảm giác sảng khoái khi sử dụng, được chiết xuất hoàn toàn từ cây bạc hà qua phương pháp chưng cất hơi nước, thành phần chính của nó bao gồm có menthol, menthyl acetat, L-pinen, L-menthon, L-limonen, flavonoid. Loại tinh dầu này vị cay, tính mát có công dụng giải biểu, thanh lợi đầu mắt, sát khuẩn, giảm đau thần kinh, hạ sốt làm lỏng chất nhầy, giúp tiêu hóa, kích thích tiết mật, dùng̉ chữa các chứng bệnh: cảm mạo, ngạt mũi, nhức đầu, đau họng, ho có đờm, đau răng. Ngoài ra, còn dùng để kích thích tiêu hóa, chữa đau bụng đi ngoài.
Tinh dầu long não: có thành phần chính là camphor > 40%, ngoài ra còn có d-camphor, a-pinen, cineol, safrol, campherenol, caryophyllen, terpineol, phellandrene, carvacrol, azullen, d-limone, cadinen. Loại tinh dầu này vị cay, tính ấm, có tác dụng làm ấm cơ thể, giảm đau nhức, mỏi cơ, làm tan vết bầm tím, kích thích hoạt động của thần kinh, cơ tim, hệ tuần hoàn, hệ hô hấp nói chung.
Tinh dầu hương nhu: có thành phần chủ yếu là eugenol > 60%, ngoài ra còn có cacvacrola, o.xymen, p.xymen, camphen, limonen, alpha và bêta pinea. Tinh dầu này vị cay, tính hơi ôn, có tác dụng sát khuẩn, làm ra mồ hôi, giảm đau, hạ sốt, cầm máu, tăng lượng máu tới thận lợi thấp, hành thủy, kích thích tiêu hóa, thường được dùng chữa cảm mạo, cảm nắng, nhức đầu, đau bụng, nôn, tiêu chảy, thủy thũng.
ThS.BS. Hoàng Khánh Toàn