Ý nghĩa và những việc cần làm vào ngày rằm tháng Giêng (Tết Nguyên Tiêu)
Ý nghĩa của Tết Nguyên Tiêu
Ngày rằm tháng Giêng hàng năm còn gọi là lễ Thượng Nguyên hay Tết Nguyên Tiêu, là thời điểm thích hợp để cầu an cho cả năm. Trong ngày này, mọi người thường làm lễ cúng cầu an tại gia và đi chùa để cúng dường, làm nhiều việc thiện, cầu bình an đến cho cả gia đình.
Rằm tháng Giêng được xem như là một trong những ngày lễ vô cùng quan trọng để bày tỏ lòng thành kính, hiếu thảo của con cháu đến các vị thần linh, tổ tiên của dòng họ. Từ đó cầu may mắn, thành công, sức khỏe cho một năm làm việc sắp tới.
Những lưu ý
– Trong ngày này, tùy vào điều kiện kinh tế và phong tục tập quán của địa phương và gia đình mà mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng, mâm lễ cúng rằm tháng Giêng có sự khác nhau nhưng đều để thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với Phật, thánh, ông bà, tổ tiên, cầu mong một năm an lành, may mắn và nhiều tài lộc.
– Ngoài mâm lễ gia tiên, nhiều gia đình có điều kiện còn làm một đàn lễ ngoài trời để cảm ơn Trời Đất, Thần Tiên, Phật Thánh, cùng các vị anh hùng dân tộc. Nếu điều kiện kinh tế hạn hẹp, có thể chỉ cần pha một ấm trà, vài chén rượu nhạt, hoa quả tự trồng được, mấy nén nhang với lòng thành kính.
– Lệ xưa cho rằng, cúng Rằm tháng Giêng vào ngày chính Rằm, giờ Ngọ (từ 11h trưa đến 1h chiều) là thời điểm tốt nhất. Mọi người tin rằng, đây là khung giờ thần Phật giáng thế, sẽ chứng nghiệm cho lòng thành của gia chủ. Tuy nhiên, nếu không sắp xếp được thời gian trên, gia chủ có thể làm lễ cúng từ sáng ngày 14 tháng Giêng đến trước 19h ngày 15 tháng Giêng là được.
– Đi chùa rằm tháng Giêng không cần sắm lễ quá cầu kỳ, chủ yếu là thành tâm. Lễ vật có thể sắm như hương hoa, trầu cau, hoa quả, xôi chè. Tại nhiều khu vực trong chùa, chỉ được đặt lễ chay, tuyệt đối không đặt lễ mặn, đặc biệt là ở khu vực Phật điện (chính điện).
– Không mang tiền vàng mã, tiền thật dâng cúng tại chùa. Nhiều người quan niệm “trần sao âm vậy” nên khi đến chùa làm lễ vẫn mang theo rất nhiều vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng Phật, như vậy là hoàn toàn sai, không nên sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ khi đi lễ chùa.
Bên cạnh đó, các gia đình khi đi lễ chùa cũng tuyệt đối không nên đặt tiền thật ở các hương án chính của điện. Rượu, bia, thuốc lá không đặt được trên ban thờ Phật nhưng có thể đặt trên ban thờ Thánh.
– Không nên cầu nguyện công danh, tài lộc khi đi lễ chùa. Bởi theo quan niệm trong tôn giáo Việt, Phật chỉ phù hộ an bình, che chở cho mọi nhà chứ không phù hộ những điều khác.
– Đi lễ chùa ngày Rằm tháng Giêng, nên ăn mặc kín đáo, gọn gàng, quần áo lịch sự, không nên mặc trang phục không phù hợp như váy quá ngắn hay mặc quần short, hai dây, áo xuyên thấu, trễ cổ sâu… Rằm tháng Giêng đi chùa có thể chọn trang phục có cùng tông màu với loại áo tràng các Phật tử thường mặc là màu nâu và màu lam.