Tách trà có đạt được hương vị chuẩn còn phụ thuộc vào kỹ thuật và bộ ấm chén
Chúng tôi gặp anh Phùng Trí Minh (SN 1995, phường Tân Khánh, TP.Tân An, tỉnh Long An) vào một ngày sau Tết Cổ truyền. Gây ấn tượng với người đối diện bằng phong thái bình thản, từng hành động và ngay cả cách nói chuyện của anh lúc nào cũng từ tốn. Tính cách ấy hình thành sau quá trình anh đeo đuổi nghệ thuật thưởng trà.
Anh Minh bày tỏ, từ nhỏ đã uống trà cùng cha, nhưng chỉ uống vì “thấy ngon”. Gần 2 năm trở lại đây, qua sự giới thiệu của người bạn, anh bắt đầu làm quen, tìm hiểu sâu hơn về trà. Từ đó, anh ngày càng yêu thích bởi những ưu điểm mà trà mang lại.
Theo anh Minh, giới trẻ ngày nay dễ mất bình tĩnh hơn khiến cuộc sống lúc nào cũng vội vã. Nhiều lúc chỉ muốn sống chậm lại để cảm nhận vẻ đẹp của cuộc sống nhưng cũng khó. Để tìm thú vui cho mình, không ít người trẻ tìm về trà để cân bằng cuộc sống, trong đó có anh.
Dứt câu, anh Minh vào trong lấy dụng cụ pha trà. Đặt trên bàn là một chiếc khay với một bộ trà đầy đủ gồm muỗng múc trà, khơi trà, cây xúc, ấm, chén tống, chén quân. Vừa pha trà, anh say sưa giới thiệu từng loại trà, loại ấm khác nhau. Anh chia sẻ, tùy vào mỗi loại trà mà người uống pha trong một loại ấm khác nhau như ấm men, ấm gốm hay ấm Tử Sa. Đặc biệt, trong nghệ thuật pha trà là tuy cùng một loại trà, một loại ấm nhưng mỗi người pha sẽ cho ra một hương vị khác nhau. Bởi lẽ, hương vị của trà sẽ phụ thuộc vào sự bình lặng của tâm hồn và tâm tình của người pha trà.
Để có một ấm trà ngon, người pha trà phải trải qua rất nhiều công đoạn. Theo quan sát, đầu tiên, anh Minh đun sôi nước rồi tráng ấm trà để vệ sinh ấm. Tiếp đó, anh múc trà ô long chậm rãi cho vào ấm Tử Sa. Sau đó, chế nước sôi vào tống rồi chờ cho nguội xuống còn 80-90 độ thì tráng trà để lọc bụi. Nước pha trà không được quá nóng, nếu không sẽ làm cháy trà, mất đi hương thơm. Rồi dùng cây gắp để tráng đều chén uống trà với nước nóng. Sau đó, chế nước nóng vào ấm trà và ngâm trong 15 giây. Trước khi rót trà vào những chiếc chén quân mời khách, anh Minh rót trà ra tống để bảo đảm khi rót trà vào tách thì từ tách trà thứ nhất cho đến tách cuối cùng đều có cùng một vị. Từ khi cho trà vào ấm đến khi hãm trà và đợi trà ngấm rồi thưởng thức, vô cùng tinh tế.
Với anh Minh, thưởng trà không chỉ là thú vui giải trí giảm stress mà còn giúp anh rèn luyện bản tính. Nhâm nhi từng chút một để cảm nhận mùi hương, vị ngon của nước trà trong khi uống và vị còn đọng lại ở trong miệng sau khi vừa đặt tách xuống. Cách thưởng thức trà cũng chính là nghệ thuật cân bằng cuộc sống “tịnh tâm”.
Bên cạnh đó, trà được chứng minh là tốt cho sức khỏe, tim mạch, đốt cháy chất béo. “Trước đây, tôi bị trào ngược dạ dày, sau khoảng thời gian uống trà thì dạ dày tôi tiêu hóa tốt hơn, hết bệnh mà không cần dùng thuốc” – anh Minh chia sẻ.
Có thể thấy, chỉ khi có đam mê, tìm hiểu, chúng ta mới thấy được những thú vị và độc đáo của trà. Trong cuộc sống hối hả, nhộn nhịp hiện nay, thưởng trà là cách để chúng ta cân bằng lại cuộc sống, là một trong những thú vui lành mạnh vừa tốt cho tâm hồn và cả sức khỏe./.
Trà Long