Công dụng và những lưu ý khi dùng củ cà rốt (củ cải đỏ)
“Lá xanh củ đỏ – Lớn nhỏ bên nhau – Đất đội ngập đầu – Nhảy lên đẹp thật”
Vâng, đó là cây cà rốt. Vốn dĩ, cà rốt nguyên thủy được trồng để lấy lá và hạt thơm rồi dần dần, phần rễ củ của nó mới được sử dụng phổ biến như ngày nay
Là một trong những loại cây có củ với hình dáng dễ thương, bắt mắt, thường xuất hiện trong các bữa ăn hàng ngày, cà rốt còn có nhiều công dụng quý trong y học.
Đặc điểm
Cà rốt hay còn gọi là củ cải đỏ (tên khoa học: Daucus carota, họ Apiaceae) (3) là loại cây thảo có rễ củ hình trụ ngắn. Lá cà rốt mọc so le với các phiến lá xẻ thùy hình lông chim và các bẹ lá khá phát triển. Hoa cà rốt mọc thành cụm ở ngọn, có đài hoa rất nhỏ, hình tam giác, quả thuôn, có cạnh lồi tua tủa các tơ cứng. Rễ cái của cây cà rốt phát triển thành củ, khi cây ra hạt củ sẽ trở nên xốp và không dùng được.
Củ cà rốt tùy theo giống mà có các màu khác nhau như vàng cam, đỏ, tím, trắng…trong đó, cà rốt màu vàng cam được xem là tốt nhất. Củ cà rốt có thể bảo quản trong 3 tháng ở 10 độ C mà hầu như không bị thay đổi về các thành phần hóa học.
Công dụng của củ cà rốt
Theo y học cổ truyền, củ cà rốt có vị ngọt, cay, mùi hăng, tính bình. Công dụng của củ cà rốt đó là; hạ khí, bổ trung, bổ huyết, yên ngũ tạng, tăng cường tiêu hóa, phù hợp với người gầy còm, thiếu máu, ăn uống chậm tiêu, trẻ em chậm lớn và răng mọc chậm (4).
Củ cà rốt chứa ít calo nhưng lại đa dạng về thành phần cũng như hàm lượng các loại vitamin và khoáng chất. Bên cạnh chất xơ, đường, chất đạm, chất béo cùng các loại vitamin (A, B1, B2, B3, B6, C…) và khoáng chất (Can xi, Sắt, Ma giê, Phốt pho…); củ cà rốt còn chứa một lượng rất lớn vitamin A.
Tuy nhiên, lượng vitamin A có trong củ cà rốt sống được hấp thu thực sự trong quá trình tiêu hóa là rất thấp (trong khi kết quả phân tích dinh dưỡng cho thấy lượng vitamin A trong 100 g cà rốt tươi đủ cho nhu cầu tiêu thụ mỗi ngày ở người trưởng thành). Do đó, để cải thiện lượng vitamin A hấp thụ (khoảng 39 % hàm lượng thực tế), cần hấp hoặc nghiền nhỏ cà rốt để nấu và thêm vào một ít dầu ăn (2). Các cách chế biến thường thấy là nấu canh, xào, hấp, nấu súp, nấu cháo… trong đó, súp cà rốt thường được dùng để điều trị tiêu chảy ở trẻ em.
Ngoài ra, củ cà rốt còn được dùng để điều trị kém ăn, mất ngủ, mệt mỏi sau khi ốm bằng công thức thuốc sắc với các thành phần: củ cà rốt (phơi khô, thái mỏng rồi tẩm mật, sao lên 30 g), cây vú bò (thái miếng, phơi khô, 24 g), hoài sơn (sao lên, 24 g), mạch môn (chẻ đôi, bỏ lõi, sao, 12 g), ngưu tất (12 g) và thổ tam thất (12 g).
Mặt khác, nước ép từ củ cà rốt (ít chất xơ hơn) cũng được ưa chuộng để nhuộm màu tự nhiên cho thực phẩm và làm nước uống.
Công dụng của hạt cà rốt
Hạt cà rốt có vị đắng, ấm, có tác dụng sát trùng, lợi tiểu, giúp thải trừ acid uric – hợp chất gây viêm khớp, gout ở liều lượng cao và điều trị các bệnh về tiết niệu. Bên cạnh đó, hạt cà rốt còn được dùng với công dụng điều kinh, điều trị tiêu chảy, lỵ mạn tính (ngày dùng khoảng 12 – 18 g). (4)
Ngoài ra, tinh dầu hạt cà rốt được chiết xuất qua quá trình ép lạnh (có màu vàng, màu hổ phách hoặc màu nâu cam nhạt) còn được dùng để điều chế thành kem dưỡng da, điều trị mụn nhọt và loét (5).
Công dụng của lá cà rốt
Lá cà rốt non, cả phiến và cuốn lá đều ăn được và thường được dùng trong các món xào. Bên cạnh đó, lá cà rốt còn là một vị thuốc điều trị chứng nhức nửa đầu bằng cách hơ nóng, giã nát vắt lấy nước rồi trộn với dầu thực vật (tỷ lệ 2:1) để nhỏ vào lỗ mũi (khoảng 2 giọt). Ngoài ra, nước sắc từ lá cà rốt còn được dùng làm thuốc chống co thắt (4).
Lưu ý
- Không ăn cà rốt nhiều và liên tục trong nhiều ngày để tránh thừa vitamin A gây ra táo bón (do uống thiếu nước), vàng da, vàng mắt, chán ăn… Liều lượng tiêu dùng cà rốt có thể tham khảo là 50 – 100g củ cho mỗi lần ăn và khoảng 2, 3 lần mỗi tuần (ở người lớn), giảm một nửa ở trẻ em.
- Chỉ nên cạo nhẹ lớp vỏ ngoài của củ cà rốt (hoặc để cả vỏ và rửa thật sạch) vì phần lớn các chất dinh dưỡng trong cà rốt tập trung nhiều ở vỏ và thịt nạc, ít ở lõi. Bên cạnh đó, không nấu quá kỹ cà rốt ở nhiệt độ cao, không nên ăn vào buổi sáng (vì có thể gây đầy bụng) và buổi tối (để tránh hưng phấn thần kinh, làm mất ngủ vì cà rốt tính dương).