Các loại thực phẩm giúp giảm triệu chứng hen suyễn

Mặc dù không có thực phẩm thần kỳ nào để chữa bệnh hen suyễn, nhưng việc thực hiện một số thay đổi trong chế độ ăn uống hằng ngày có thể giúp giảm hoặc kiểm soát các triệu chứng hen suyễn.

Theo một đánh giá về vai trò của thực phẩm trong việc kiểm soát bệnh hen suyễn được công bố vào tháng 11/2017 trên tạp chí Nutrients, có bằng chứng cho thấy chế độ ăn có nhiều ngũ cốc tinh chế, thịt đỏ, thịt chế biến và đồ ngọt có thể làm tăng tình trạng viêm và làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn, trong khi chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả tác động tích cực đến cả nguy cơ và kiểm soát bệnh hen suyễn.

Cũng theo Nutrients, béo phì có liên quan đến kết quả hen suyễn tồi tệ hơn, đối với những người bị hen suyễn thừa cân hoặc béo phì, giảm cân có thể giúp giảm các triệu chứng hen suyễn.

Mặc dù thay đổi chế độ ăn uống có thể giúp bạn kiểm soát các triệu chứng hen suyễn và làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh, nhưng không có chế độ ăn nào thay thế cho thuốc hoặc phương pháp điều trị khác mà bác sĩ đã kê đơn để giúp kiểm soát bệnh hen suyễn. Chỉ thay đổi chế độ ăn uống không thể chữa khỏi hoặc đảo ngược bệnh hen suyễn. Do đó nên kết hợp chế độ ăn uống hợp lý với việc sử dụng thuốc đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ để cải thiện bệnh.

Lựu chứa nhiều chất chống oxy hóa.

Lựu chứa nhiều chất chống oxy hóa.

Một số thực phẩm tốt cho người bệnh hen suyễn

Táo và cam: giúp cung cấp beta carotene, vitamin C và E, có thể làm giảm viêm và sưng phổi. Táo và trái cây họ cam quýt (bao gồm cả cam) đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ và các triệu chứng bệnh hen suyễn. Ăn 2 phần trái cây (cộng với 5 phần rau trở lên) mỗi ngày trong 2 tuần giúp kiểm soát bệnh hen suyễn tốt hơn so với tiêu thụ ít khẩu phần hơn.

Cá hồi: chứa nhiều acid béo omega-3 có liên quan đến việc giảm viêm ở những người bị hen suyễn. Ngoài ra, cá hồi là một trong những nguồn cung cấp vitamin D tốt, duy trì mức vitamin D hợp lý có thể giúp giảm các triệu chứng hen suyễn.

Đậu: Hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh giúp giảm thiểu bệnh hen suyễn và các rối loạn tự miễn dịch khác. Có bằng chứng cho thấy thực phẩm giàu chất xơ thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh giảm nguy cơ rối loạn viêm nhiễm, bao gồm cả bệnh hen suyễn. Vì đậu chứa prebiotics, “thức ăn” mà vi khuẩn đường ruột cần để phát triển mạnh do đó nên ăn ½ cốc mỗi ngày.

Gừng: Ngoài việc làm dịu cơn đau bụng, gừng còn giúp giảm các triệu chứng hen suyễn. Đó là bởi vì một số thành phần trong gừng có thể giúp thư giãn đường hô hấp. Nên thêm một ít gừng tươi vào món rau xào ăn kèm với cơm. Bằng cách này, bạn sẽ nhận được lợi ích của gừng cũng như các chất dinh dưỡng và chất xơ từ gạo.

Nghệ: Theo một nghiên cứu được thực hiện trên chuột và được công bố trên tạp chí Inflammation cho thấy thành phần hoạt chất của nghệ, curcumin, có thể giúp dập tắt tình trạng viêm trong đường hô hấp bị hen suyễn.

Rau bina: Các loại rau xanh như rau bina chứa nhiều vitamin và khoáng chất, nhưng chúng cũng chứa folate (một loại vitamin B). Folate đặc biệt quan trọng đối với những người bị bệnh hen suyễn. Trong một nghiên cứu của Hiệp hội Lồng ngực Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những trẻ không nhận đủ folate và vitamin D có nguy cơ bị một hoặc nhiều cơn hen suyễn nặng hơn gần 8 lần so với những trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng.

Lựu: cung cấp một lượng chất chống ôxy hóa lành mạnh có thể giúp giảm viêm trong phổi. Theo đánh giá năm 2017 trên tạp chí Nutrients, trái cây và rau quả giàu chất chống oxy hóa có thể giúp giảm viêm đường hô hấp.

Nước ép cà chua: rất giàu chất chống oxy hóa và ít calo, điều này làm cho chúng trở thành một bổ sung xứng đáng cho chế độ ăn uống chống hen suyễn của bạn. Nước ép cà chua có chứa chất chống oxy hóa lycopene, giúp người lớn mắc bệnh hen suyễn giải phóng đường thở sau một tuần sử dụng.    

Ngọc Anh

((Theo Everyday Health))