CEO Nguyễn Thu Hà: Cuộc sống rẽ ngang đến với Fresh Garden
‘Nhiều người, trong đó có các đối thủ của Fresh Garden cũng nghĩ chủ của Fresh Garden không phải người Việt Nam’, CEO Nguyễn Thu Hà chia sẻ.
Fresh Garden là thương hiệu về bánh và đồ uống nổi tiếng, được nhiều khách hàng yêu thích. Nhiều năm qua, thương hiệu luôn giữ vững giá trị chất lượng, tạo đà vươn lên, nỗ lực trở thành thương hiệu cửa hàng bánh tươi và cà phê dẫn dắt thị trường nội địa Việt Nam. Một thương hiệu đình đám nhưng lại khá “kín tiếng”, nhiều câu chuyện kinh doanh của Fresh Garden vẫn còn là ẩn số với nhiều người. Để hiểu thêm về hành trình kinh doanh và tạo dựng thương hiệu, PV có cuộc trò chuyện với chị Nguyễn Thu Hà – CEO của Fresh Garden.
– Xuất phát điểm của các chủ doanh nghiệp mảng Bakery hoặc là dân kinh doanh, hoặc là người làm thợ, có nghề, rồi tách ra kinh doanh riêng. Riêng chị Nguyễn Thu Hà, chủ của chuỗi Fresh Garden thì sao?
Tôi không đi lên từ thợ bánh, cũng không phải dân kinh doanh. Trước tôi làm việc tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Do con cả đi học ở nước ngoài từ nhỏ, nên mỗi khi con về nước, gia đình tôi thường đưa các con đi du lịch, điểm đến yêu thích của bọn trẻ là Nhật Bản, Đài Loan, Hongkong. Mà trẻ con thì mê ăn bánh, tôi cứ thế đi theo bọn nhỏ, và lần nào vào tiệm bánh của họ cũng mê, mê từ mùi hương khi bước vào cửa tiệm, đến sản phẩm đa dạng với cách bài trí tinh tế.
Cứ 3 – 4 năm như vậy. Tôi khi ấy đơn giản chỉ là thích thôi, chứ trong đầu không bao giờ nghĩ chuyện sẽ làm bánh hay mở cửa hàng bánh, mà vẫn cho rằng mình sẽ gắn bó với Nhà nước. Một ngày, anh bạn Đài Loan nói chuyện rằng: “Sao giờ tôi cứ thích mở cửa hàng bánh ở New York”. Tôi hỏi lại: “Sao không mở ở Việt Nam?“
– Chỉ với ý tưởng đó, chị quyết định rời vị trí lãnh đạo cấp trung của một cơ quan Nhà nước để khởi nghiệp?
Không. Khi mở cửa hàng đầu tiên ở Nguyễn Chí Thanh vào đầu năm 2010, tôi vẫn chưa nghỉ việc Nhà nước.
Tuy nhiên, kinh doanh trong mảng Bakery không đơn giản, trong khi tôi xuất phát điểm không biết gì về bánh. Bên cạnh đó, thợ bánh người Đài Loan không biết nói tiếng Việt, tôi là người trao đổi với thợ bằng tiếng Anh và truyền đạt lại cho nhân viên.
Bánh của chúng tôi được thị trường rất đón nhận. Cơ sở sản xuất đặt ngay trên tầng 2 của cửa hàng Nguyễn Chí Thanh ngày đó, vậy mà bánh ra không kịp tốc độ bán, khách hàng còn phải đợi.
Thuở ấy, các tiệm bánh ở Hà Nội chủ yếu sản xuất bánh mì Âu, không có nhiều bánh mì Á. Chúng tôi mở Fresh Garden với ý tưởng mang đến một thứ gì đó mới mẻ, thay đổi khẩu vị, thay đổi thói quen ăn sáng, chúng tôi đã thành công.
10 tháng sau khi mở cửa hàng đầu tiên, tôi quyết định xin nghỉ việc ở cơ quan Nhà nước, tập trung vào niềm đam mê sản xuất và kinh doanh bánh. Cùng năm ấy, tôi mở cửa hàng thứ 2 ở Láng Hạ.
Giờ hỏi có tiền không, thì tôi không có. Nhưng độ nhận diện thương hiệu và giá trị tài sản của công ty tăng lên nhiều. Tôi thấy bõ công sức.
Nói thật, số tiền đấy nếu không làm Fresh Garden, tôi gửi tiết kiệm và đi làm Nhà nước cũng rất ung dung.
– Trong 10 năm kinh doanh, đâu là bước ngoặt lớn nhất của Fresh Garden?
Nhận thấy sản phẩm của mình đa dạng phù hợp với nhiều lứa tuổi, lượng khách đến cửa hàng ngày một đông nên chúng tôi quyết định tăng tốc. Trong giai đoạn giữa năm 2017 đến hết năm 2018, chúng tôi mở 20 cửa hàng. Thời điểm đó, tất cả các thành viên trong công ty làm việc hết công suất và có thể nói ai cũng tràn đầy năng lượng và cố gắng hết mình.
Đúng ra muốn tiếp cận khách hàng, giới thiệu sản phẩm nhất là doanh nghiệp còn non trẻ như chúng tôi thì việc chi trả cho marketing, quảng cáo là rất cần thiết. Tuy nhiên, vì sản phẩm được đón nhận, mở cửa hàng có doanh thu ngay nên chúng tôi quyết định mở cửa hàng thay vì đầu tư cho quảng cáo. Tôi cho đây là bước ngoặt lớn của Fresh Garden và chúng tôi may mắn khi nhận định đúng thị trường.
Giờ về sản xuất chúng tôi có một xưởng 7.000 m2, về “bộ mặt” công ty thì có khu văn phòng mới, tôi nghĩ đây là lúc phù hợp để giải tỏa những dư luận cho rằng Fresh Garden là của nước ngoài. Sao cứ phải có công ty nước ngoài đứng sau hay phải bán cổ phần cho nước ngoài thì mới có đủ tiềm lực mở chuỗi?
Chọn thời điểm này xuất hiện, vì giờ tôi thấy tự tin, nhưng không phải tự tin theo kiểu tôi nghĩ là tôi giỏi. Ngoài kia còn nhiều người giỏi hơn tôi, tôi chỉ là người tâm huyết với việc làm bánh, và chăm chút từng chi tiết nhỏ để làm ra sản phẩm.
– Chị từng nhắc đến xuất nhập khẩu mà chỉ riêng Fresh Garden có, có vẻ nguyên liệu là thế mạnh mà chị rất tự hào?
Có 2 điểm tôi tự hào nhất ở Fresh Garden: Sử dụng những gì tốt nhất cho khách hàng và tất cả những người đang vận hành, sản xuất ra sản phẩm luôn giữ gìn đạo đức nghề nghiệp.
Tư duy thông thường của người kinh doanh nói chung luôn làm sao để được lợi nhuận cao. Với việc lựa chọn và sử dụng nguyên liệu của Fresh Garden như hiện nay, chắc chắn không đem lại lợi nhuận cao nhưng cái lời nhất của tôi chính là niềm tin của khách hàng vào chất lượng của từng chiếc bánh.
Trong sản xuất chúng tôi tuyệt đối không sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, các chất phụ gia trong danh mục cấm sử dụng. Nguyên liệu chủ yếu chúng tôi đang sử dụng đều đến từ những nhãn hiệu có uy tín như Anchor, Vivo, Meiji, Komplet… Một số dòng sốt của Ý như sốt pizza, sốt mayonnaise là chúng tôi nhập trực tiếp từ Ý cho riêng mình. Chúng tôi đã thay thế việc quết trứng lên bề mặt bánh trước khi nướng bằng một loại nước tổng hợp mà chủ yếu được làm từ đậu nành được nhập khẩu từ Đức, đây cũng là điểm khác biệt của chúng tôi.