Truyện ngắn: Đi về phía núi

0 407
Đêm ba mươi rả rích mưa, gió từng cơn lạnh ngắt. Thiếu phụ ngồi nấu nồi bánh tét bên hiên nhà. Chợt vẳng tiếng vó ngựa lộc cộc mỗi lúc một gần. Vùng này làm chi có ngựa, chắc khách tha phương viễn xứ hồi hương mừng tân niên đi ngang qua đường. Lúc sáng bầy chim khách bỗng nhiên bay về đậu trên cây thị trước ngõ, đầu quay về hướng đông kêu vang từng hồi dài. Không lẽ là khách nhà mình? Thiếu phụ chất thêm củi to củi chắc vào bếp, khơi than hồng ra chế thêm ấm nước chè vần lại cho nóng. Nồi bánh sôi lục bục, hơi đẩy chiếc nắp vung phùm phụp như gõ phèng la.
Vó ngựa chậm dần, dừng lại ngoài ngõ. Khách buột tạm ngựa ở gốc thị, nhấc từng bước vào sân nhà hỏi xin nước uống và nghỉ lại chốc lát lấy sức. Giọng nói của khách lạ lắm, chắc chắn người từ miền xa đến. Gia chủ tròn mắt nhìn vị khách quá đỗi kinh ngạc. Không phải khách bình thường, đứng ngoài kia là một tướng quân cao lớn trong bộ giáp trụ, tay cầm giáo dài, tấm áo bào đỏ thẫm ướt đẫm. Lần đầu tiên trong đời thiếu phụ nhìn thấy một tướng quân với phong độ khác thường đến vậy. Mừng vì ngày cuối năm còn có khách quý ghé nhà, lo không biết giặc dã ra sao tướng quân phải chạy lánh nạn xa xôi đêm cuối năm giữa đêm hôm mưa gió.
Thiếu phụ mời khách vào trong nhà tránh mưa, đon đả rót nước chè nóng ra chiếc gáo dừa mời khách. Tết nhất, có khách tướng quân ghé nhà, quý hóa cho gia đình và vinh hạnh cho làng xã. Vùng này hiếu khách có tiếng, khách lỡ đường đến nhà luôn được đón tiếp trọng thị. Khách đến nhà dịp ba ngày tết sẽ mang lại niềm vui và may mắn cho cả năm. Đôi tay thiếu phụ run run, rót nước tràn cả ra cả ngoài miệng gáo. Khói nước lá chè khô nóng bốc lên quyện với mùi lá gói bánh mùi nếp thoảng thơm.  
Tướng quân chắp tay kiểu nhà võ đa tạ, dựng chiếc giáo dài vào góc phên đất rất cẩn thận. Hai tay ngài bưng lấy gáo nước đưa lên quá đầu như thể tế ơn trời đất sau đó đưa xuống trước mặt hít chầm chậm từng hơi dài. Áp gáo nước nóng vào trán vào đôi mắt và hai má một hồi lâu mới uống từng hớp một như nước ngon uống nhín. Động tác uống của khách rất lạ, vừa uống vừa nâng niu thưởng thức. Thiếu phụ ngây nhìn cảm mến, rót thêm một gáo nước đầy. Khách cảm ơn, trầm trồ khen nước chè ngon quá, ngon quá.
– Trời tối mưa lạnh, xin mời tướng quân nghỉ chân đến mai hẵng đi.
Thiếu phụ lấy chiếc đòn gỗ mù u đặt cạnh bếp lửa ấm để khách ngồi cho đỡ lạnh.
– Xin cám ơn tấm thịnh tình. Đường phía trước còn quá dài, ta chỉ xin nghỉ tạm một lát lấy sức. Ta có ngủ quên nhớ gọi giùm. Ta còn con ngựa ngoài kia, xin người vui lòng trông chừng giúp!
– Dạ.
Tướng quân cởi trường bào giũ nước, treo lên tấm phên tre. Ngài không ngồi trên chiếc đòn mù u để sẵn mà chỉ ngồi trên gót chân chạm nhẹ đầu gối lên đòn. Đầu tựa lên cánh tay đang nắm hờ. Thanh gươm mang ngang hông chạm nền nhà, con dao ngắn trong bao da giắt ở thắt lưng có cán chạm trỗ hoa văn đẹp mắt. Đoán biết khách đói nhưng trong nhà không có gì ăn, chỉ có nải chuối mốc vừa chín tới đang chưng trên bàn thờ, thiếu phụ lẳng lặng lấy dọn mời khách.
Lửa bỗng cười sáng chói. Bên bếp lửa ấm, vị tướng ngồi thoáng chốc đã ngáy từng hồi vang rền. Chắc ngài mệt nên giấc ngủ sâu đến như vậy. Thiếu phụ cời thêm than hồng vừa ngắm trộm tướng quân. Khuôn mặt chữ điền dưới mũ chóp sắt rắn rỏi khôi ngô, đôi mày rậm cùng sóng mũi cao xương xẩu xám ngắt vì lạnh. Bờ vai rộng và đầy trong bộ giáp da hình vảy cá xám cũ, hai cầu vai đính lục lạc hình đầu hổ. Đôi chỗ giáp bị đứt thủng bởi dấu giáo gươm. Bao cổ tay bằng sắt đen bóng bị mẻ lốm đốm. Bàn tay to bè rám nắng, nắm tay to rắn chắc.
Thiếu phụ giật mình thảng thốt khi nhìn thấy máu trên nền nhà. Máu bầm đen vón cục chắc bị thương đã lâu và nặng lắm. Thiếu phụ nhìn quanh tìm kiếm thử máu từ đâu. Kia rồi, máu từ ống bao chân rịn ra nơi vòng đeo chân. Thiếu phụ kịp mím môi, lấy bàn tay che miệng để khỏi bật lên thành tiếng. Tướng quân vẫn đang ngáy to, đều đều.
Để yên cho khách ngủ say, thiếu phụ rón rén lấy cám nếp trên giàn bếp, cầm đèn dầu mù u mang thùng pha nước ấm cho ngựa. Chiến mã cao lớn với bộ lông đỏ tía cũng đang bị thương, một chân trước sưng vù đang co lên run run. Chú ta đang rướn cổ vói mấy lá thị dưới thấp nhai, thấy người lạ đi ra chú mới dừng lại. Thiếu phụ vác tấm phên nan cũ ra che cho ngựa bớt lạnh. Được che ấm và cho ăn uống, ngựa hí nhẹ dúi đầu vào người thiếu phụ như muốn cảm ơn.
Bánh tét đã chín tỏa mùi thơm sực nức. Nước sôi lụp bụp lụp bụp. Thiếu phụ nhấc khẽ nắm vung vớt đòn bánh tét ra mâm, lấy nón lá quạt cho mau nguội đặng đãi khách. Tướng quân mệt nên ngủ sâu quá, thiếu phụ không nỡ đánh thức. Ngồi một lúc lâu, thiếu phụ cũng thiếp đi lúc nào không hay…
Năm đó thiên tai mất mùa, gia súc gia cầm dịch bệnh chỉ còn vài con sống sót. Đêm ba mươi thanh vắng đến lạ thường. Mãi canh ba mới có tiếng gà hàng xóm gáy muộn. Không phải tiếng gà ô to khỏe vang xa, đó chỉ là tiếng của một chú gà trống choai mới tập gáy ẹc ẹc còn chưa vỡ giọng. Con gà cất tiếng đầu tiên trong năm, gia chủ bấm đốt ngón tay gật gù. Hy vọng cả năm quang rạng.
Tiếng gà làm tướng quân choàng tỉnh giấc đứng vụt dậy, khoác vội trường bào cầm giáo chào tạm biệt gia chủ dắt ngựa chạy về phía hướng tây. Chẳng biết do được ăn uống nghỉ ngơi lại sức hay lá thị đã chữa lành vết thương, chân ngựa bớt sưng hơn một chút nhưng vẫn chưa phi được. Tướng quân dắt chiến mã bước khập khiễng, vừa đi vừa vỗ về. Thiếu phụ chỉ kịp chạy theo máng gửi đòn bánh tét vẫn còn nóng hổi vào yên ngựa làm quà.
Giặc phương Bắc từ phía đông xông lên đông như kiến cỏ, trống thúc cờ xí đen rợp trời đuổi theo. Dân làng khiếp vía ngụy trang che đi quần áo trắng sáng quen thuộc, ẩn trốn không ai dám ló mặt ra xem.
Tướng quân chạy về phía dãy núi cao phía trước. Chỉ có núi cao mới là nơi trú ẩn an toàn, chờ thời cơ diệt giặc mở mang bờ cõi gây dựng đại nghiệp. Rạng sáng, tướng quân đến một dãy núi đá chắn ngang trước mặt. Phía trước là vách đá, bên dưới là vực sâu nước xanh thẳm, thác nước đổ ào ào. Đâu phải thần mã Xích Thố, đây là chiến mã chân đã bị thương, đi đã khó làm sao có thể vượt vách núi đá sừng sững này. Tướng quân ngửa mặt, lắc đầu, mỉm cười. Cùng đường, có phải là ý trời? Tướng quân ôm đầu chiến mã vỗ về, không nỡ bỏ lại con vật trung thành để thoát thân.
Quân giặc đã đuổi kịp, vung giáo mác gươm đao sáng loáng, tiếng hò reo như sấm dậy. Chúng quyết bắt sống vị tướng. Dù bị thương nặng, tướng quân vẫn chiến đấu đến sức tàn lực kiệt. Không thể địch nổi quân giặc càng lúc kéo đến một đông, tướng quân cùng ngựa chiến của mình đã nhảy xuống vực sâu thẳm, mất tích. Quân địch đứng chờ, chỉ có bọt trắng sủi lên.
Dân làng khắc lên vách đá bên bờ vực: Quảng Nam quốc… Tân Sửu năm… Bính Tuất ngày… Tên Vực Ông cũng có từ khi đó và rất linh thiêng.
Thành lệ, hàng năm cứ vào ngày thọ tử tháng Giêng dân làng tôi làm lễ cúng vị tướng kiên cường chống giặc áo đen năm nào. Tết đến xuân về, dân làng tổ chức hát bội, trong tuồng tướng quân là nhân vật chính nghĩa diệt giặc giúp dân bảo vệ giang sơn bờ cõi. Con nít tụi tôi khoái chí mỗi khi đến màn đám quân lính đội mũ chóp nhọn và hai chú hề đánh kiếm, dù chỉ là kiếm gỗ to bảng tượng trưng có tua rua xanh đỏ ở đầu chuôi kiếm.
Tết đến người ở miền Bắc chưng chuối xanh chuối lùn, người miền Nam bày mâm ngũ quả thì cả dân xứ Quảng nhà nào cũng chưng nải chuối mốc trên bàn thờ. Những món liên quan trong ngày cuối cùng trong cuộc đời của vị tướng. Hai thứ không thể thiếu nữa trong việc cúng kiếng là bánh tét và chú gà trống choai. Chú gà mới lớn cất tiếng gáy lần đầu tiên đánh thức tướng quân thức dậy chạy giặc năm xưa luôn được cúng vào dịp đầu năm. Nếu tướng quân chậm chân một chút, giặc áo đen đến phát hiện dân làng dung dưỡng tướng quân, cả làng Cồn Cao đã bị truy sát và làm cỏ. Điều gì dân gian tôn thờ thường ít có sai.
 Cũng vào ngày thọ tử đầu mỗi năm, dân làng tập trung vào vực thắp hương tưởng niệm tướng quân. Ngày này đàn ông trai tráng trong làng thường tổ chức săn bắn. Tiếng chiêng trống, tiếng còi sừng trâu, tiếng chó sủa cùng tiếng người như náo động cả một vùng núi đồi. Không lớn thì nhỏ, năm nào cũng săn được một con thú rừng, khiêng về cả làng xúm lại nấu nướng ăn mừng may mắn đầu năm. Có năm dân làng đuổi theo con heo con mang, con thú chạy đến Vực Ông thì nhảy xuống vực. Người đi săn chỉ việc bắt hay vớt, không phải tốn một hòn tên mũi giáo nào.
Bão gió năm rồi làm trốc gốc cây thị đã mấy trăm năm tuổi trước ngõ nhà tôi. Cây thị tướng quân đã buột ngựa nghỉ chân năm xưa. Mẹ dặn tôi cuối mùa hè này nhớ kiếm hột thị ươm lại trồng vào chỗ gốc thị vừa ngã. Mỗi lần tết về, tôi lại được mẹ kể lại câu chuyện quen thuộc này. Chiếc đòn gỗ mắt mù u vẫn còn đó, tính đến đời tôi đã hơn hai mươi lăm đời…
Tôi sẽ trồng lại cây thị và giữ chiếc đòn gỗ mù u như cổ vật. Vào dịp đầu năm mới, tôi sẽ kể câu chuyện này cho con cháu nghe và truyền lại chúng lời dặn của người xưa, khi làm nhà, nếu được nên xây cửa nhà về phía mặt trời mọc. Rồi con cháu tôi cũng kể lại cho đời sau như thế.
 Theo Baoquangnam.vn