6 loại rau quả tuyệt đối không nên dùng để ép nước vì có thể làm mất dinh dưỡng hoặc gây hại cơ thể
Điều gì xảy ra khi bạn uống nước ép rau quả mỗi sáng
Trong những năm gần đây, xu hướng tiêu thụ nước ép rau quả vào buổi sáng lên ngôi, từ người nổi tiếng đến các beauty blogger đều ca ngợi lợi ích của loại nước này.
Nước ép rau quả được yêu thích vì chúng có chứa rất nhiều chất diệp lục – một thành phần tự nhiên có thể tăng cường hệ miễn dịch, thanh lọc máu và tái tạo tế bào. Đặc biệt, rau xanh chứa nhiều axit folic, là chất chống trầm cảm tự nhiên. Folat trong rau lá xanh giúp chống suy giảm trí nhớ và tăng hàm lượng serotonin, kết quả là cải thiện tâm trạng.
Nước ép rau quả cũng chứa nhiều chất xơ, cho phép cơ thể thải độc tố, vitamin E trong rau lá xanh kết hợp với vitamin C giúp da bạn khỏe mạnh hơn ngay cả khi về già.
Đặc biệt, các loại nước ép, sinh tố rau quả chứa ít calo, nhiều chất dinh dưỡng mà bạn cần để giảm cân nhanh chóng, an toàn và hiệu quả mà không cần nhịn đói.
Dù hầu hết loại trái cây, rau quả rất an toàn để dùng làm nước ép thì những loại khác thì không. Một số loại rau củ dưới đây được chuyên gia khuyến cáo không nên cho vào máy để ép nước hay làm sinh tố vì có thể gây ra một số tác động nguy hiểm cho sức khỏe.
Những loại rau quả không nên dùng để ép nước
1. Bông cải xanh
Theo các chuyên gia dinh dưỡng người Ấn Độ trả lời trên tờ Indiatimes: Bông cải xanh là loại rau đầu tiên không nên dùng làm nước ép. Ai cũng thích chúng vì có lượng calo thấp, lại chứa nhiều vi chất dinh dưỡng như vitamin C và K1, kali và mangan. Tuy nhiên, nước ép bông cải xanh, hay sinh tố bông cải xanh rất khó tiêu hóa, có thể gây ra một loạt các vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi, nôn nao, thậm chí buồn nôn
2. Trái bơ
Trái bơ không chứa nhiều nước trái cây, vì vậy chúng thích hợp để làm sinh tố hơn là làm nước ép. Việc sử dụng bơ để ép nước có thể làm lãng phí dinh dưỡng quý giá của loại quả này.
3. Dứa
Dứa là một loại trái cây có vị ngọt, thơm lừng, bên cạnh đó chúng cũng chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Tuy ăn dứa rất có lợi cho cơ thể nhưng việc dùng dứa làm nước ép sẽ làm lãng phí dinh dưỡng quý báu của chúng. Nước ép dứa lấy đi phần lớn dinh dưỡng của trái cây, để lại cho bạn rất nhiều đường, có thể khiến lượng đường trong máu và mức insulin của bạn tăng lên đáng kể. Các chuyên gia sức khỏe cảnh báo việc tiêu thụ quá nhiều nước ép dứa có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
4. Rau bina, cải xoăn
Rau bina và cải xoăn là những loại rau giàu chất dinh dưỡng và có thể tạo ra một thức uống lành mạnh, tuy nhiên chúng lại có chứa lượng oxalat cao. Oxalat là chất kháng dinh dưỡng, khi tiêu thụ ở nồng độ cao hơn có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, điển hình nhất là phản ứng với canxi, tạo ra sỏi thận.
5. Vỏ cam quýt
Nhiều người làm nước ép từ các loại thực phẩm có múi như cam quýt nhưng lại cho cả vỏ vào máy ép trái cây. Tuy nhiên, vỏ cam, quýt lại chứa các hợp chất có thể gây kích ứng hệ tiêu hóa.
6. Quả lê
Theo trung tá, lương y Phạm Anh Đào (Hội Đông Y Việt Nam): Theo Đông y, quả lê vị chua ngọt. Tuy nhiên, những người nhạy cảm với fructose thì không nên uống nước ép lê. Quả lê chứa sorbitol, một dạng đường không tiêu hóa có thể gây ra tiêu chảy.
Cần lưu ý điều gì khi sử dụng nước ép rau quả?
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), nước ép rau quả chứa nhiều vitamin, chất xơ, rất tốt cho tiêu hóa và làn da của phụ nữ. Những loại rau tốt nhất để làm nước ép đó là: rau cần tây, củ dền, dưa chuột, cà rốt… Mỗi loại nước ép từ các loại rau củ này đều có giá trị dinh dưỡng nhất định. Tuy nhiên để tận dụng tối đa tác dụng của các loại nước ép, chuyên gia khuyên không nên pha thêm đường vì sẽ khiến cơ thể bị thừa đường, có thể gây béo phì, tiểu đường…
Đồng thời, không nên hâm nóng nước ép rau củ vì sẽ làm các loại vitamin và khoáng chất dễ bốc hơi, nước ép sẽ dễ dàng mất đi một lượng lớn vitamin, đặc biệt là vitamin C.
Thanh Hà (t/h)