An yên đón Tết với 8 loại cây nên trồng ở sân vườn
Ngoài mang lại không khí trong lành, một số cây được trồng ở sân vườn của ngôi nhà với tính chất và chức năng đặc biệt của mình còn có tác dụng trấn trạch, hoá sát hiệu quả.
Một ngôi nhà có thiết kế sân vườn rộng rãi, thoáng mát là mơ ước của nhiều người. Với những ngôi nhà có bố cục sân vườn, phong thuỷ khu vườn quan trọng không kém các phòng chức năng khác trong nhà.
Cây cảnh ở sân vườn được xem là vật trang trí quan trọng. Những cây có sức sống mãnh liệt có thể mang lại môi trường trong lành, giảm bớt bức xạ và tĩnh điện do các vật dụng hiện đại trong nhà gây ra.
Để không gian sân vườn tràn đầy sức sống, tránh tà hung cũng như hoà hợp âm dương ngũ hành, gia chủ có thể thay đổi vị trí chậu hoa, cây cảnh cho phù hợp. Ngoài ra, có một số cây được xem là “thần hộ vệ của gia đình”, tác dụng hoá sát, trừ tà nên trồng ở sân vườn.
Cây đào
Hội tụ tinh hoa của ngũ hành, trải qua mùa đông giá rét, cây đào sẽ đâm chồi khai hoa vào độ xuân sang. Hoa đào nở rộ mang đến vẻ đẹp cuốn hút người nhìn. Trong phong thuỷ học, đào cảnh còn là biểu tượng của vượng tử, xua đuổi tà ma.
Nơi phù hợp để đặt đào cảnh là trước cửa nhà. Nếu không đặt trong chậu, có thể trồng đào ở khu vực hành lang ngôi nhà. Để tránh điều không may, gia chủ không nên để cây đào trong tình trạng khô héo, thiếu sức sống.
Cây liễu
Là loại cây có khả năng chịu hạn và chịu úng, liễu thường được trồng theo rặng. Trong phong thuỷ, liễu là loại cây âm tính, là tên trong một ngôi sao trong Nhị thập bát tú và có khả năng trừ tà rất tốt.
Người xưa có câu “trước nhà trồng dương, tài lộc khắc; sau nhà trồng liễu, tài lộc tan”. Do đó, cây liễu thích hợp trồng trước nhà.
Cây ngải
Thuộc dòng thảo mộc, cây ngải cũng có củ như gừng, riềng. Theo quan niệm xưa, cây ngải có “linh tính” nên không phải ai trồng cũng tốt tươi sinh sôi được mà phải có duyên.
Từ xưa, chữ “ngải’ được dùng để chỉ nhan sắc của người con gái trẻ hoặc tôn xưng người già. Lấy cây ngải gia công, chế biến có thể dùng làm thuốc chữa bệnh.
Cây ngân hạnh
Ngân hạnh có tên gọi khác là bạch quả, thuộc họ thân gỗ, tán rộng và lá giống hình cánh quạt. Cây có sức sống ngoan cường, vỏ quả có mùi khó chịu nhưng phần hạt bên trong rất giàu dinh dưỡng.
Đây là loại cây ẩn chức năng lượng huyền bí, vì vậy nhiều phù ấn trấn trạch thường được khắc bằng gỗ ngân hạnh.
Cây bách
Cũng như ngân hạnh, cây bách là loại cây thân gỗ, sống lâu năm. Có dáng thẳng đứng bất khuất nên cây bách thường được trồng tạo cảnh khi thiết kế sân vườn rộng rãi hoặc khuôn viên đô thị.
Theo dân gian, cây bách là loại thuốc quý. Lá có vị đắng, tính lạnh và có tác dụng cầm máu, mát huyết.
Dưới góc độ phong thuỷ, cây bách có màu xanh lá, hợp với gia chủ mệnh Mộc. Chất gỗ thơm mát, khí thế hùng vĩ của loại cây này có thể trừ yêu ma.
Cây thù du
Là loại cây cát tường, thù du có nhiều tên gọi khác như ngô thù du, ngô vu hay xà lạp. Chùm quả thù du màu đỏ thẫm gồm nhiều quả nhỏ hình tròn. Toàn cây thù du có tinh dầu có mùi thơm hơi hắc.
Thù du có nhiều loại nhưng ngô thù du là loại cây thường được biết đến với công dụng làm thuốc chữa bệnh.
Vô hoạn tử
Vô hoạn tử có rất nhiều tên gọi khác nhau, cây mọc nhiều ở vùng núi Trung Quốc và Nhật Bản. Hạt quả, vỏ cây và rễ cây vô hoạn tử được thu hoạch để làm thuốc, có tác dụng thanh nhiệt, thải độc.
Ngoài tác dụng dược lý, vô hoạn tử ngày nay còn được dùng để làm cây cảnh. Đến kỳ ra hoa kết trái tựa quả tỳ bà, lúc chín màu vàng, bên trong có hạt như viên ngọc trai. Dùng hạt vô hoạn tử xâu thành tràng hạt có thể giữ bình an.
Bầu hồ lô
Bầu hồ lô thuộc dạng thân thảo, có nhiều trái. Ngoài trồng làm giàn dây leo đẹp, trong phong thuỷ bầu hồ lô là loại cây trừ tà, biểu trưng cho sự hoà hợp âm – dương và mang hàm ý lắm con nhiều phúc.
Trái bầu khô còn được dùng chế tác thành đồ thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là các vật phẩm phong thuỷ giúp tăng cường sức khoẻ và tài lộc.
Mang lại điềm lành nên bầu hồ lô thường được trồng thành giàn che bóng mát cho lối vào nhà hoặc sau nhà.
Phương Anh (tổng hợp)