Ngày nắng nóng nên ăn gì để đủ chất dinh dưỡng

Trong những ngày nắng oi bức, nên ăn nhiều rau củ có tính mát để bổ sung nước, các loại rau có công dụng sát khuẩn để phòng bệnh đường ruột.
Bác sĩ Bùi Huy Cận, Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y dược cơ sở 3, cho biết: Trong thời tiết nắng nóng, sự trao đổi chất của con người diễn ra ở trạng thái mạnh mẽ. Ăn uống dưỡng sinh giúp cơ thể điều hòa, thân thể nhẹ nhàng, phòng các bệnh lý tiêu hóa thường gặp trong mùa nóng.
“Nên ăn thanh đạm, chất mềm, dễ tiêu hóa, bớt ăn đồ nhiều dầu mỡ béo ngậy và cay nóng. Ăn uống thanh đạm giúp thanh nhiệt, giải nắng, bồi bổ cơ thể, tăng cảm giác ngon miệng”, bác sĩ khuyên.
Theo bác sĩ Huy Cận, các loại rau của nhóm sát khuẩn bao gồm tỏi, hành, hành tây, hẹ. Đây là những loại rau có tác dụng như kháng sinh thực vật giúp tiêu diệt và ức chế cầu khuẩn, trực khuẩn, nấm, virus. Trong đó, tác dụng rõ ràng nhất là tỏi sống
Dân gian truyền nhau “đông ăn củ cải, hè ăn gừng”, tức là mùa nắng nóng nên ăn nhiều gừng. Gừng là thực phẩm tính ấm. Mùa nóng, lỗ chân lông cơ thể khai mở, do đó ăn gừng có lợi cho đào thải độc tố.
Theo bác sĩ Huy Cận, rau củ chứa nhiều nước, giúp bổ sung nước cho cơ thể. Ngoài ra, hầu hết củ đều có tác dụng hạ huyết áp, bảo vệ thành mạch.
Các loại rau củ chứa 90% là nước, đây là nguồn nước tự nhiên thanh khiết tốt cho sức khỏe. Ảnh: Pinterest
Ăn nhiều rau tính mát
Ăn các loại rau tính mát, giúp thanh nhiệt, trừ độc, tốt cho tiêu hóa. Loại trừ bí ngô có tính ấm, các loại khác như mướp dắng, mướp hương, dưa chuột, dưa gang, dưa hấu, dưa lê, cà chua, cần tây, rau xà lách… đều thuộc tính mát.
Cháo đậu đỏ ý dĩ
Mùa hạ ăn nhiều cháo đậu đỏ ý dĩ có thể bài trừ khí thấp hàn của cơ thể, lợi tiểu. Ví như ăn cháo vào bữa sáng và tối, còn bữa trưa ăn canh, giúp thanh nhiệt giải độc, bồi bổ cơ thể.
Khi nấu cháo nên cho ít lá sen, giúp vị thanh mùi thơm, trong cháo có vị hơi đắng, có tác dụng tiêu độc, giải nhiệt. Hoặc, cho thêm chút đậu xanh giúp giải nhiệt, lợi tiểu… Ngoài ra, cháo bạc hà, cháo ngân nhĩ (nấm trắng), cháo cát căn (sắn dây), cháo mướp đắng đều là thực phẩm tốt cho mùa nóng.
Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất
Các loại trái cây như cà chua, dâu tây, cam, chanh, bí đao, dưa hấu, dưa lê, dưa gang, đào, lê… đồ uống như ô mai, trà hoa cúc giúp bổ sung vitamin, khoáng chất, thanh nhiệt. Nên uống lạnh vừa phải, không nên uống quá nhiều, gây hao tổn dương khí. Dương khí dùng để chỉ nguồn năng lượng bên trong cơ thể. Dương khí vượng, con người sẽ khỏe mạnh sung mãn, dương khí suy cơ thể phát sinh nhiều bệnh.
Bổ sung đủ lượng đạm
Bổ sung lượng đạm đủ để cơ thể có năng lượng hoạt động và xây dựng cấu trúc xương khớp. Các loại cá, thịt nạc, trứng, sữa và các loại đậu… đều là protein chất lượng cao.
Lê Cầm