Những bình hoa sen Ikebana hút hồn các bà nội trợ
Vào mùa sen nở rộ, họa sĩ Đỗ Vy Anh (Hà Nội) đã tổng hợp một số bình hoa sen nghệ thuật Ikebana do anh cắm trong nhiều năm chia sẻ với người yêu hoa. Để có được nền tảng về cắm hoa nghệ thuật Ikebana, ban đầu anh học qua thông tin, sách của dịch giả Triệu Thị Chơi. Từ năm 2014 trở đi, anh theo học các giảng viên tại Nhà Ikenobo, với lịch sử hơn 555 năm tồn tại và phát triển ở Nhật. Bản thân anh cũng xuất thân từ gia đình có truyền thống yêu cái đẹp, có ông ngoại là họa sư Nam Sơn (tên thật: Nguyễn Vạn Thọ) và học hội họa bài bản, tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp. Vì vậy, mỗi bình hoa của anh đều có hội họa làm nền tảng.
Theo anh Vy Anh, để cắm hoa sen tươi nở đẹp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố bao gồm: hoa, lá tươi đẹp bẻ đúng lứa, dưỡng hoa đúng cách. Để cắm hoa nghệ thuật Ikebana, người cắm sẽ áp dụng ba dạng thức (hình thức, kiểu tồn tại của sự vật, hiện tượng) chính của Nhà Ikenobo là: Rikka, Shoka và Freestyle.
Bình sen dạng thức Rikka do giảng viên Nhà Ikenobo thực hiện. Một bình hoa Rikka sử dụng nhiều nguyên liệu, trong đó mỗi một đơn vị cành – lá – hoa lại có tên gọi, vị trí, nhiệm vụ khác nhau. Rikka giống như một bức tranh phong cảnh thể hiện núi rừng, thác đổ, sông suối, hoa cỏ, làng mạc, đồng bằng , con người và vạn vật tốt tươi… Toàn bộ thiên nhiên hùng vĩ cô đọng và giản lược vào một bình hoa.
Còn dạng thức cắm hoa Shoka chính là giản lược từ dạng thức Rikka. Shoka đề cao vẻ đẹp của mỗi khoảnh khắc tự nhiên bằng cách giản lược tối đa các yếu tối cành – lá – hoa với sự kết hợp nguyên liệu cơ bản khác nhau để làm nổi bật chúng. Ba yếu tố căn bản cần có là: Shin (hiện tại) – Soe (quá khứ) – Tai (tương lai) nhưng luôn luôn thể hiện sự vươn lên hướng về mặt trời. Trong ảnh là bình sen dạng thức Shoka Shofutai (Shoka truyền thống) mà anh Vy Anh cắm tại đầm sen do 2 giảng viên Nhà Ikenobo hướng dẫn trực tiếp tại Hà Nội.
Bình hoa theo dạng thức Shoka Shofutai. Khi cắm hoa Ikebana, anh Vy Anh lưu ý bạn cần nêu được quá trình sinh trưởng của đời cây thủy sinh (sen) qua các thời kỳ sinh trưởng của bộ lá. Điều này thể hiện qua tuần tự thời gian: lá đầu mùa mới nổi trên mặt nước, lá cuộn chặt chưa mở, lá hơi mở, lá đã trưởng thành, lá sâu ăn một nửa, lá vàng già héo úa một phần. Do đó, anh Vy Anh tâm đắc câu mà sư phụ nói rằng: “Cắm hoa thực chất là cắm lá”.
Dạng thức cuối cùng của nghệ thuật cắm hoa Ikebana là Freestyle – cắm hoa tự do, không bị ràng buộc quá nhiều bởi những quy tắc truyền thống chặt chẽ. Anh Vy Anh cho biết dạng thức này ở các trường phái khác nhau đều có và mỗi một trường phái lại có những tiêu chuẩn và quy định riêng biệt khác nhau.
Anh chủ ý chọn chiếc bình có những gân gờ nổi lên để tương thích với đường gân lá sen phía bên trên và đánh giá đây “quả là một trải nghiệm thú vị”.
Bình hoa theo dạng thức Freestyle có bố cục, màu sắc hài hòa.
Dạng thức này được anh trình bày với cách phân bổ layout tạo nên độ sâu 3D của bình hoa. “Đóa sen lấp ló phía sau chiếc lá trầu bà được đẩy ra sau và xa, duyên dáng ẩn mình chứ không lộ diện toàn phần, như nàng thiếu nữ e lệ nấp sau tấm rèm tinh nghịch nhìn ra người ngắm chúng”, anh Vy Anh viết lời bình.
Tiếp tục là dạng thức tự do với bình gốm lục lăng men kim loại cháy, giúp anh diễn đạt sự đối lập giữa chất bình, màu hoa tươi mơn mởn như đang thắp sáng niềm tin và hy vọng.
Anh thử sức cắm sen trắng ở bình thủy tinh trong suốt nhằm diễn đạt sự thanh mát, nhẹ nhàng giữa những ngày hè nóng nực, bỏng cháy. Anh tiết lộ: “Các cành hoa, lá cần được dựng lên một cách có chủ ý sao cho cân bằng và nương tựa vào nhau. Bởi chất liệu thủy tinh tương đối trơn trượt và khó định vị mặt hoa, lá theo ý đồ. Nhất là với sen, hay bị xoay mặt, gục đầu bởi bề mặt trơn láng của vật liệu nhưng bù lại, tạo được cảm giác mát mẻ trong veo và tinh khôi”.
Lần này, anh cắm tự do với bát thấp nhìn được nước, vốn là môi trường sinh trưởng của sen.
Dạng thức tự do với bình kim tự tháp làm nổi bật đóa hoa sen trắng tinh khôi.
Ảnh: NVCC