Những lưu ý khi chúc Tết đầu năm thể hiện sự tinh tế của bạn
Lời chào cao hơn mâm cỗ: Người Á Đông rất xem trọng lời chào bởi thể hiện sự tôn trọng với người đối diện. Không cần mâm cao cỗ đầy, lời chào mộc mạc xuất phát từ sự chân thành đã đủ gắn kết mọi người. Lời chào dịp năm mới có thể khác hơn, bắt đầu bằng những câu chúc an lành, ấm áp mà ai cũng muốn nghe.
Tránh hỏi lương, thưởng: Ai cũng tò mò muốn biết nhiều hơn về người xung quanh. Thế nhưng, những câu hỏi về lương, thưởng, việc lập gia đình, bình phẩm ngoại hình… có thể khiến người đối diện khó chịu và đánh mất không khí vui vẻ ngày Tết. Không phải ai cũng được suôn sẻ trong công việc hay chuyện tình cảm nên việc tránh những câu hỏi nhạy cảm này sẽ giúp bạn thêm 1 điểm cộng về sự tinh tế.
Giúp chủ nhà khi được mời cơm: Bữa cơm những ngày đầu năm luôn đong đầy ý nghĩa, thể hiện sự quý mến, thân thiết giữa gia chủ và khách mời. Việc phụ giúp rửa rau, chuẩn bị bàn ăn… dẫu đơn giản sẽ thay bạn gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến tấm lòng của gia chủ.
Không quá chén: Tết là dịp gặp gỡ, thăm hỏi nhau sau một năm bận rộn và khó tránh khỏi những bữa ăn dùng đồ uống có cồn. Để buổi gặp “vui thôi đừng vui quá”, tránh tình huống không hay trên bàn tiệc hoặc rủi ro khi tham gia giao thông, bạn nên đặt ra giới hạn cho bản thân đồng thời biết cách từ chối thay vì xuôi theo những lời mời.
Chọn trang phục màu sắc may mắn: Năm mới khởi đầu mới nên mọi người đều muốn rước may mắn, tài lộc vào nhà. Cũng vì vậy, trang phục sáng màu như đỏ, vàng được ưu tiên lựa chọn và hạn chế màu tối như đen, xám. Bạn cần lưu ý điều này để tránh mang đến cảm giác kém may mắn ngày Tết.
Chuẩn bị lộc nếu xông đất: Xông đất là một trong những phong tục của nhiều người Việt. Người xông đất thường được chọn dựa trên yếu tố hợp tuổi với mong muốn giúp cuộc sống gia chủ làm ăn phát đạt trong năm mới. Theo đó, người xông đất cũng mang theo món quà nhỏ như phong bao lì xì hay quà màu đỏ biểu tượng của tiền tài, may mắn.