Nhớ kỹ 7 điều này khi ăn bí đỏ để tránh gây hại đến sức khỏe

Ăn bí đỏ sai cách vừa không thu được lợi ích về dinh dưỡng vừa có thể gây hại đến sức khỏe.
Bí đỏ (bí ngô) là loại thực phẩm vô cùng bổ dưỡng. Trong bí đỏ có hàm lượng sắt cao, giàu vitamin, các chất muối khoáng, axít hữu cơ và nhiều nguyên tố vi lượng cần thiết cho hoạt động của cơ thể. Đặc biệt lượng chất xơ dồi dào trong bí đỏ khiến bạn cảm thấy no lâu, kiềm chế cảm giác thèm ăn, giúp duy trì lượng đường trong máu ổn định.
Chính vì vậy, ngày càng nhiều người lựa chọn bí đỏ trong thực đơn để giảm cân mà vẫn rất tốt cho sức khỏe đại tràng. Tuy nhiên, khi mới tập ăn bí đỏ bạn sẽ có cảm giác ì ạch một chút, nhưng khi cơ thể đã quen, bạn sẽ cảm thấy rất tuyệt vời.
Bên cạnh đó, bí đỏ rất giàu beta-carotene, được chuyển đổi thành vitamin A khi nó được chia nhỏ và hấp thu trong dạ dày. Bất kể là gì thì cả hai đều là nguồn tuyệt vời của chất dinh dưỡng. Chúng là những chất chống oxy hóa và giúp tăng cường hệ miễn dịch. Các nghiên cứu cũng chỉ ra nhóm người thường xuyên ăn các loại rau quả chứa beta-carotene ít bị bệnh tim mạch và có tỷ lệ mắc bệnh ung thư miệng và phổi thấp hơn.
Trong bí đỏ còn có nhiều Vitamin C giúp da căng bóng, mịn màng. Những phụ nữ có chế độ ăn giàu vitamin C thường có làn da ít nếp nhăn hơn và ít gặp vấn đề về da khô. Ngoài ra chế độ ăn chứa hàm lượng lớn vitamin C có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống lại những virus cảm lạnh thông thường. Đáng chú ý, một số nghiên cứu chỉ ra những người áp dụng chế độ ăn giàu Vitamin C có nguy cơ đột quỵ thấp hơn.
Tuy nhiên khi ăn bí đỏ các bạn cần nhớ kỹ những điều sau để tránh gặp phải vấn đề về sức khỏe:
Không ăn bí đỏ nhiều và liên tục
Dù tốt đến đâu bạn cũng không nên ăn bí đỏ quá 2 bữa/tuần. Bí đỏ chứa rất nhiều tiền chất của vitamin A, nếu ăn quá thường xuyên, chất này không kịp tiêu hóa sẽ dự trữ ở gan và dưới da. Do đó, sẽ khiến lòng bàn tay, bàn chân của bạn có màu vàng.
Không ăn bí đỏ để lâu

Bí đỏ để lâu chứa lượng đường cao, dễ bị lên men và biến chất. (Ảnh minh họa)

Bí đỏ chín già chứa lượng đường khá cao, nếu để trong thời gian dài dễ khiến bên trong bí đỏ xảy ra quá trình hô hấp kỵ khí – lên men, dẫn đến biến chất, khi ăn có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe. Hơn nữa lượng đường quá nhiều trong bí đỏ cũng không tốt cho người tiểu đường.
Người bị rối loạn tiêu hóa không nên ăn bí đỏ
Bí đỏ là thực phẩm không được khuyến khích đối với người bị rối loạn tiêu hóa vì hàm lượng chất xơ quá cao, dễ gây đầy bụng, khó tiêu, không tốt cho tình trạng bệnh.
Không nên nấu bí đỏ với khoai lang
Bí đỏ và khoai lang đều chứa nhiều tinh bột, chất xơ nên khi kết hợp cùng nhau dễ gây đầy hơi, khó tiêu. Nếu ăn quá nhiều 2 thứ này cùng lúc còn dễ gây bức bí, căng tức bụng, đau bụng, không tốt cho hệ tiêu hóa.
Không nên nấu bí đỏ với thịt cừu
Không nên nấu bí ngô với thịt cừu vì cả hai loại thực phẩm này đều có tính nóng, ăn cùng nhau có thể gây đầy hơi, táo bón… Đặc biệt, với những người bị bệnh truyền nhiễm và cơ địa nóng thì không nên ăn để tránh bệnh tình thêm nghiêm trọng.
Hạn chế thêm dầu ăn, đường khi nấu bí đỏ

Thay vì chiên rán nên hấp hoặc luộc bí đỏ để giữ được các chất dinh dưỡng.(Ảnh minh họa)

Nên hạn chế tối đa việc thêm dầu ăn, đường khi chế biến bí đỏ vì điều này sẽ làm hao hụt chất dinh dưỡng đồng thời khiến chúng ta dễ tăng cân. Thay vì rán hoặc xào, bạn nên sử dụng phương pháp luộc, nướng hoặc hấp.
Bí đỏ đã gọt vỏ, cắt khoanh nên dùng ngay
Đối với bí đỏ đã gọt vỏ hoặc cắt dở thì chúng ta cần nấu ngay, tránh để quá lâu ở môi trường bên ngoài sẽ làm thất thoát thành phần dinh dưỡng. Kể cả khi đã nấu chín, bạn cũng nên thưởng thức bí đỏ ngay khi còn ấm để đảm bảo thu được đầy đủ nhất các chất có lợi.
                                                                                                                                                                               QA/TH