Phương pháp giúp trẻ cảm thấy hứng thú khi mọi người đều phải ở nhà.
Học trực tuyến có thể khiến trẻ gặp căng thẳng, chán nản. (Nguồn: Baodansinh)
Trên trang The Guardian, tác giả Sarah Ayoub đã chia sẻ về vấn đề giúp trẻ bận rộn hơn khi ở nhà trong thời kỳ giãn cách xã hội ở khắp nơi như hiện nay.
Trong bài báo, tác giả cho hay, như nhiều bậc cha mẹ khác, cô đã phải hủy các chuyến du lịch, buổi đi chơi và các hoạt động trong kỳ nghỉ học của con do tình trạng phong tỏa đang diễn ra ngày càng nhiều ở Sydney (Australia). Điều đó cũng có nghĩa, cô phải làm việc ở nhà và chăm sóc con.
Theo kết quả khảo sát từ Viện Nghiên cứu gia đình của Australia, hiện tại, có 67% cha mẹ Australia làm việc tại nhà (tăng 25% kể từ khi bắt đầu giãn cách xã hội ở Australia vào năm 2020).
Tuy nhiên, những trải nghiệm của họ không hề suôn sẻ. 49% trong số đó cho rằng, họ gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa công việc và trách nhiệm gia đình. 40% khẳng định, luôn luôn hoặc thường xuyên phải chăm sóc trẻ khi làm việc.
Vậy chúng ta phải xử lý vấn đề này như thế nào?
Rachel Tomlinson, nhà tâm lý học và là tác giả của cuốn Dạy trẻ trở nên tốt bụng gợi ý, hãy cố gắng giữ cho trẻ gần gũi với các thói quen thông thường nhất, kể cả những việc nhỏ như đóng gói hộp cơm trưa.
Sự thiếu chuẩn bị hay nhận thức thường đi kèm với sự bối rối xung quanh tình hình Covid-19 tạo ra sự khó khăn cho trẻ em về mặt cảm xúc. Trẻ khó lòng đối phó được với những sự thay đổi, vì vậy, phụ huynh cần đặt ra các dự định, thói quen và giới hạn rõ ràng có thể giúp trẻ điều chỉnh sao cho phù hợp với lịch làm việc của cha mẹ.
Nhà tâm lý Rachel Tomlinson chia sẻ: “Nếu chúng ta cùng trẻ lên kế hoạch trong ngày hoặc trao đổi về cách các giới hạn được đặt ra, thì có nhiều khả năng con sẽ tuân thủ các quy tắc hơn…”.
Ngoài ra, chuyên gia này cũng khuyên, phụ huynh nên dành thời gian ở bên cạnh trẻ và tham gia vào các tương tác chất lượng mà không bị phân tâm bởi công việc khác.
Đặc biệt, khi cha mẹ bận làm việc, hãy tìm cho trẻ một danh sách các hoạt động để các con luôn “bận rộn”.
Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể đưa ra các mục tiêu trong tương lai cho trẻ, hoặc các môn nghệ thuật để trẻ lựa chọn. Hãy cho trẻ tham gia các khóa học online, trình chiếu video hay thậm chí kể cả chơi game, chơi đố vui online với bạn bè và gia đình.
Andrea Christie-David, chủ cơ sở dịch vụ giáo dục mầm non Leor cho trẻ ở nhà và hỗ trợ người khuyết tật có đồng quan điểm. Leor được thành lập vào năm 2018, đã giúp các gia đình chăm sóc trẻ em trong thời gian giãn cách xã hội năm 2020.
Andrea Christie cho rằng, mọi người có nhu cầu về chương trình tương tác học tập thú vị và hấp dẫn này. Vì vậy, Leor đã tổ chức những trò chơi trực tuyến miễn phí cho gia đình vào buổi trưa. Phụ huynh có thể đăng ký cho con tham gia các nhóm chơi trực tuyến qua trang Facebook của Leor.
Qua các trò chơi, trẻ thể hiện quan điểm, cách nhìn nhận và chia sẻ suy nghĩ của bản thân về những vấn đề, câu chuyện, hiện tượng thông qua các hình ảnh, các món đồ chơi.
Fiona Perrella – một người mẹ, đồng thời là nhà nghiên cứu giáo dục cho rằng, sự buồn chán cũng là một điều tốt cho trẻ.
Bà Fiona Perrella gợi ý: “Cho trẻ tham gia các trò chơi giải trí cũng là cách giúp chúng không bị phụ thuộc vào người khác. Giãn cách xã hội cũng chính là cơ hội tốt để trẻ phát triển khả năng tự vui chơi, giải trí”.
Bà Perrella là người thành lập Strength Heroes – nơi tạo nên những trải nghiệm nghệ thuật và vui chơi cho trẻ em vào năm 2012. Cô đề xuất ý tưởng hoạt động này trên Facebook và Instagram.
Đồng quan điểm với nhà tâm lý học Rachel Tomlinson, bà Fiona Perrella cho rằng, việc tạo ra một kế hoạch trong ngày với trẻ để chúng dành thời gian cho các mục tiêu khác nhau và bám sát theo kế hoạch ấy có thể là một cách hiệu quả để đảm bảo thời gian làm việc cho cha mẹ.
Ngoài ra, trẻ cũng cần tự giải quyết sự buồn chán của chính mình. Trong khi cha mẹ làm việc, trẻ có thể chọn các hoạt động từ danh sách công việc mà mình có thể làm.
Vậy nếu cạn ý tưởng thì sao? Hãy lên mạng tra cứu những ý tưởng, kinh nghiệm từ những phụ huynh khác. Bà mẹ đến từ Sydney – Daniela Minns đã trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội bởi một danh sách dài các hoạt động vui chơi giúp trẻ “thoát ly” khỏi màn hình máy tính hay ti vi.
Thanh Dung