Truyện ngắn: Tường vi bon sai

Cơn lốc cây cảnh tràn qua làng Trạch cuốn bật những gốc vải, nhãn, tre… trong vườn vào bếp làm củi, thay vào đó là những sanh, si, đa, lộc vừng, tùng, thông… Kẻ mua người bán nhộn nhịp, công nông, xe tải, cả cần cẩu chuyên chở cây to, cây bé đi, về làm cho không khí trong làng lúc nào cũng ồn ào, tấp nập.

Nổi đình nổi đám nhất là chuyện của vợ chồng trẻ Bùi trâu. Bùi vốn là dân lái trâu, nghề gia truyền, chớp thời cơ cây cảnh lên ngôi, Bùi chuyển sang làm cây cảnh, chuyên dẫn mối cho thợ, khách đi mua cây, hoa hồng được hưởng từ cả hai phía. Cuối năm ngoái vợ chồng hắn đã tính xây nhà nhưng tuổi chưa đẹp, lại đang trong đà phất, Bùi trâu đã quyết dành toàn bộ số tiền tích góp xây nhà là tám trăm triệu đồng đổ hết vào buôn cây, dựng vườn cảnh.

Minh họa: Đinh Hương 

Bùi trâu thuộc dạng khôn ngoan, bài của hắn là, nhà nào chủ rắn thì Bùi mua tỉa, nhà nào không biết gì về tình hình cây cảnh, thấy tiền đã ngớp lên thì Bùi gạ mua vài ba cây một mẻ, kiểu như người ta mua mớ rau, mớ tép. Về phẩy qua vài nhát cưa, kéo, cho ngồi chậu đẹp, cây lên chậu như hoàng hậu lên ngôi, vài ba tuần sau gặp khách, bán một cây đã hòa vốn.

Một lần bán cây, ô tô chở cây cho nhà Bùi làm sạt lở một đoạn đường làng. Dân làng ca thán. Bùi liền rút cả chục triệu đồng gọi thợ về sửa, còn hào phóng xây thêm cả đoạn mương cho nước chảy ra sông, khoa học hơn cả lúc làng xây, dân làng chuyển sang ca tụng, tay Bùi trâu vừa có tài vừa có tâm.

Bùi mới rước hai cây sanh khủng về tuần trước, tuần sau đã lọt mắt đại gia Trung đất, đại gia này trước kia cũng buôn bất động sản mới chuyển hướng buôn cây theo trào lưu. Biết thóp Trung đất đã “say”, Bùi trâu cứ nhùng nhằng, các em mới chân ướt chân ráo về Bùi muốn thư thư để có thời gian nhuận sắc. Đại gia Trung đe, đang bồ kết có bán thì ra giá, không mà đã đi là gút bai luôn. Bùi vẫn như nước rỏ giọt gianh, quý vật phải tìm quý nhân. Nâng lên đặt xuống, cuối cùng thì hai cây sanh khủng được đôi bên giải quyết ở mức bảy trăm năm mươi triệu đồng.

Hôm sau, Bùi sai vợ đi xem bói chọn ngày đẹp để làm nhà, còn Bùi quần áo là lượt chỉnh tề, phóng xe máy sang tận làng Chằm tìm gặp ông Đích, nghệ nhân bon sai nổi tiếng trong vùng, từng là thầy giáo dạy môn Văn cho Bùi hồi học trường làng.

Sân vườn của thầy cũ vẫn những chậu cây cảnh dáng bon sai nhỏ bé được sắp xếp như bàn cờ trong sân, dưới vườn. Ông thầy đang tỉa tót cho cây tường vi, hai thân cây to bằng bắp chân, uốn mềm tựa hai con rồng quấn lấy nhau, hoa nở đỏ rực từng chùm như pháo bông. “Thầy có bán được chậu nào không?”. “Không bán nhưng đổi. Anh còn nhớ cái chậu dành dành dáng thác đổ ở đầu cổng không? Một ông bạn già cũng chơi cây tới thăm, thích nó quá. Thế là tôi đổi lấy cái chậu tường vi”.

Thực ra thì Bùi không thích mấy cái chậu hoa hoét, nó làm sao sánh được với những bậc đại trượng phu hoành tráng như tùng, bách, thông, sanh, lộc vừng ở vườn nhà Bùi, nhưng vẫn phải khen đẹp để cho ông giáo Đích vui, trong lòng chợt dấy lên nỗi cảm thương ông giáo già mãi hoài cổ không thức thời.

Sắp về, Bùi hỏi mua chậu tường vi. “Kiểu bon sai nhỏ bé này đâu phải là sở trường của anh?”. “Em mua về để chơi cho nó đẹp nhà”. Ông Đích giúp Bùi chằng cây lên xe. “Tôi nhận thấy thị trường cây cảnh dạo này đang sốt cây to, cây khủng, người chơi cũng như người buôn đang bị cuốn theo chiều gió thì phải anh ạ”. 

Bùi tự tin: “Thỉnh thoảng cũng phải có những cơn sốt như vậy thì mới sôi động thị trường chứ thầy? Cây cũng giống như nhà, ai chẳng thích nhà to, nhà khủng hả thầy. Hôm nao thầy tới tư vấn giúp em sửa mấy cái cây vừa mua ạ”. Ông Đích trầm ngâm: “Không biết là tay nghề còm của tôi có thể thích ứng với việc sửa cây hoành tráng của anh không, nhưng hôm nào anh rảnh rỗi, cứ điện cho tôi”. Về nhà, vợ Bùi bĩu môi chê cây bé, còn hoa hoét, Bùi gạt đi, có năm triệu, đáng gì.

Việc buôn bán cây ngày càng sôi động khi trong làng có hai người nữa cũng bán được ba cây với giá cao ngất. Bùi càng ồ ạt tuyển cây về cho đầy vườn. Cùng với việc động thổ xây nhà, việc tiếp những đoàn khách đến giao lưu cây cối, rồi cẩu cây đi dự triển lãm đã làm cho Bùi trâu không còn nhớ ra tới chuyện gọi điện mời ông giáo Đích tới chơi.

Đi dự lễ khai mạc triển lãm cây cảnh nghệ thuật miền Bắc, gặp được một cây si già ôm hòn đá ngự trên chậu to như cái giường ngủ, tay đòn đã văng đâu vào đấy, thân dữ, rễ cuốn cuồn cuộn, mốc trắng từ gốc tới đầu cành, giá cả rất phải chăng, chủ chính lại là Trung đất, Bùi mê ngay. 

Lập tức về bàn với vợ, bỏ nốt số tiền còn lại trong nhà ra mua cây si cổ này, sau gặp khách bán đi, lãi khối, chứ để tiền đó là tiền chết. Vợ Bùi lúc đầu không đồng ý vì tiền làm nhà thế vẫn chưa đủ, phải ngọt nhạt đả thông tư tưởng mãi, vợ Bùi mới đồng ý rút cục tiền trăm triệu đưa cho Bùi rước cây si cổ về.

Triển lãm kết thúc, Bùi không chỉ cẩu thêm cây si cổ về mà còn rước cả một cây sanh to như cây đa giữa cánh đồng, cũng của Trung đất về theo. Vợ hỏi mua cây sanh giá bao nhiêu? Hai trăm triệu đồng. Ối giời, tiền đâu mà mua? Vay ngân hàng, rồi anh em họ hàng, mọi người đã tự nguyện góp vốn làm ăn với Bùi, sau có lãi chia đều.

Đang xây tầng hai thì cạn tiền, vợ Bùi sốt ruột giục bán cây, nhưng cả tuần nay, cây bỗng chững lại. Rồi vài tuần liên tiếp, khách ra vào thưa thớt, không bán được cây nào. Vốn thì bỏ một đống ra vứt ngoài đường, công trình đang ngốn tiền ngoàm ngoạp, vợ chồng Bùi bắt đầu sốt ruột.

Thêm tháng nữa, thị trường cây cảnh bỗng đóng băng đột ngột. Cánh thợ buôn xổi như Bùi đã khối kẻ phá sản, những tay máu mặt giang hồ cũng không thấy xuất hiện, làng Trạch chợt trầm lắng như tờ. Vườn Bùi trâu và các vườn khác vô hình chung bị đóng cửa.

Bùi lo cây có nguy cơ biến thành củi, đâm mất ngủ, phải uống thuốc ngủ. Sáng dậy chân tay, người ngợm cứ run lẩy bẩy. Đôi bên bố mẹ vét hết tiền tiết kiệm mang sang đỡ lưng cho vợ chồng Bùi, được vài chục triệu như muối bỏ biển.

Đám thợ xây đã bỏ sang nhà khác làm chưa quay lại vì đòi tiền công mà chủ không trả. Thấy cây chững, có vài người cho Bùi vay mượn tiền đã sang đòi lại, Bùi cùn bảo làm gì còn tiền, thích thì Bùi trả bằng cây vì mọi người đồng ý hùn vốn làm ăn, họ đành ngậm đắng nuốt cay nhận vài chậu cây Bùi trâu trừ nợ.

Đang trùm chăn ở nhà thì ông giáo Đích đến chơi.

Hai thầy trò đi vòng quanh vườn một lượt, trở về, ông Đích đứng khá lâu trước cây si cổ. “Tôi trông cái cây si này có vẻ quen quen anh ạ”. “Cây này đã đi triển lãm nhiều nơi, em cũng đã gửi cho thầy xem ảnh của nó đấy. Từ lúc mua nó về đến nay, cây bỗng chững lại”. 

Trầm ngâm nghĩ ngợi khá lâu, ông Đích mới cất lời: “Tôi không dám bàn luận nhiều vì tầm nhìn có thể còn nông cạn, cổ hủ, chưa theo kịp thời cuộc như các anh. Song cái gì đã gọi là trào lưu thì cũng nhanh chấm dứt, chỉ như con sóng chồm lên cao rồi lại phải tụt xuống. Nghề chơi cũng lắm thăng trầm, đòi hỏi phải công phu, trí tuệ, tài hoa, kiên trì, nhẫn nại. Có cây làm cả chục năm mới hoàn thiện chứ đâu cứ ngày một ngày hai là đã bán, đã lãi ngay được, các cụ từng dạy dục tốc tất bất đạt”.

Ông Đích không quản nắng mưa, có mặt ở vườn nhà Bùi từ sớm đến tối mịt. Dân chơi cây làng Trạch vờ sang uống nước nhưng thực chất để thám thính xem cách ông Đích sửa cây thế nào. Ngày đầu chỉ thấy ông đục thân, cạo rễ, moi cậy hết bùn bẩn ở gốc, ở thân, nhặt lá mục, bắt sâu, móc rửa hang, hốc những hõm đá, hõm cây, cắt chỉnh từng cái rễ bé như sợi chỉ, đặt lại chỗ này, bện rễ lại chỗ kia, tỉ mẩn và đơn điệu, mấy người dân đến chơi thấy ông thầy giáo cũ của Bùi chỉ làm cái công việc vệ sinh cho cây ấy chép miệng, đúng là cách làm của người già, đã lần lượt bỏ về.

Đến ngày thứ ba, sau khi đã kì công làm sạch cho cây si cổ, ông Đích quyết định bấm kéo, cắt bỏ thân, cành thừa, sửa tay đòn lỗi, bấm tỉa…

Nhát cưa vừa lia qua, cành si đang ngả xuống rào rào, chợt lưỡi cưa khựng lại. Một cái bình tông nước! Bình tông kẹp chặt giữa chỗ chạc ba vừa cắt đi cành ngang, lại bị những chùm rễ ăn bện chặt vào bên trong. 

Ông Đích cưa lại cẩn thận chỗ đầu cành đã cắt, gỡ bỏ, cắt đi rễ thừa thẹo, moi lên cái bình tông nước đã han, thấy dòng chữ mờ mờ khắc lên đó: “Phiêng trố – làng Chằm”. Mắt ông Đích hoa đi, bất ngờ ông ôm chặt cái bình tông nước mà khóc.

“Phiêng trố – làng Chằm, chính là tên anh bạn tôi, mắt anh ấy rất trố nên gọi là Phiêng trố. Chúng tôi cùng lớn lên, cùng đi bộ đội. Một buổi trưa hè, chúng tôi tìm thấy một mảnh đạn đã rủ nhau trèo lên cây si cạnh bờ sông ngồi tỉ mẩn khắc tên mình lên chiếc bình tông. 

Vài hôm sau, máy bay địch bất ngờ dải bom, nhiều người hy sinh không tìm thấy xác, trong đó có Phiêng trố, còn tôi bị thương nặng nên được chuyển về tuyến sau điều trị, khỏi, tôi ra quân, được cử đi học sư phạm, rồi về dạy học. Năm ngoái, đơn vị họp mặt, cho chúng tôi vào thăm lại chiến trường, đến đúng chỗ cây si gần nơi đóng quân trước kia nhưng chỉ thấy một con đường, không thể tìm thấy mộ của Phiêng trố”.

Hai thầy trò khăn gói lên đường tìm tới nhà Trung đất. Mới hay, Trung mua cây này của Bình ở Thanh Hóa. Lại lên tàu tìm cho được Bình. Bình không giấu giếm, kể, một lần vào Quảng Trị lùng cây đã gặp đúng lúc người ta san lấp làm đường, cái cây si nằm trúng tâm đường, Bình mua về, giá có chục triệu. Khi đào cây lên mới phát hiện gần gốc cây có một bộ hài cốt liệt sĩ, sau đội làm đường chuyển bộ hài cốt đó vào nghĩa trang liệt sĩ của xã.

Khi ông Đích đưa ông Phiên, anh trai liệt sĩ Phiêng vào Quảng Trị đón hài cốt liệt sĩ trở về quê hương thì Bùi cũng xin phép lãnh đạo xã, ban quản trang được kính tặng cây si cổ cho nghĩa trang.

Một sáng, có vị khách già đi xe con đến thăm vườn, dừng lại rất lâu bên chậu tường vi. “Tôi muốn mua cái cây tường vi cánh mỏng này”. “Cây này của thầy giáo cũ để cho nên cháu…”. Ông khách xuống tiền dứt khoát: “Tôi trả giá tám mươi triệu đồng, bán thì cho em nó lên xe luôn!” Tai Bùi ù ù như xay lúa, chợt rõ giọng ông giáo Đích trầm trầm cất lên ngay sau lưng: “Anh cứ bán giao lưu cho ông ấy đi!”.

Sau chén nước trà chiều, ông giáo lại đội nón ra vườn, bình thản bấm kéo tanh tách, Bùi khe khẽ theo bước chân ông thầy, hồi sau ngập ngừng: “Cây tường vi cánh mỏng quý thế, sao bữa trước thầy lại bán rẻ cho em đến vậy?”. Ông giáo Đích cười khà khà: “Tôi đâu bán rẻ, trong nghề chơi cây cảnh luôn có những bất ngờ mà”.

Truyện ngắn của Nguyễn Thu Hằng – Baobacgiang.vn