Chủ nhân giải Nhất tiếng Anh quốc gia: Mục tiêu càng cụ thể càng dễ thành công

 

Mai Trung Hiếu cùng gia đình trong Lễ tuyên dương học sinh giỏi.Mai Trung Hiếu cùng gia đình trong Lễ tuyên dương học sinh giỏi.

Phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại có cuộc trao đổi với Mai Trung Hiếu, học sinh lớp 12 Anh 1, Trường THPT Chuyên Thái Bình, chủ nhân giải Nhất môn tiếng Anh học sinh giỏi THPT quốc gia năm học 2020 – 2021 về kinh nghiệm để học tốt môn học này.

– Với học sinh tỉnh lẻ, em thấy thuận lợi, khó khăn khi tiếp cận tiếng Anh là gì?

Ở địa phương, trong thời gian em học THCS thì không có nhiều điều kiện về đào tạo học sinh sử dụng được cả 4 kỹ năng nghe nói đọc viết, đặc biệt là kĩ năng chủ động là nói và viết. Trong quá trình học tập, để tìm hiểu về 2 kỹ năng này, em thường lên youtube xem những trang chia sẻ cách học tiếng Anh, thi IELTS, cách tự học những kỹ năng chủ động. Khi học lên bậc THPT, cùng với quá trình tự tìm hiểu bù đắp kiến thức và nhiều điều kiện học tập từ phía nhà trường, cũng như học tập trong đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia, kỹ năng nói và viết của em trở nên phát triển hơn

– Theo em, muốn thành công cần trau dồi những kỹ năng gì?

Em tự nhận bản thân chưa thực sự xứng đáng với hai từ “thành công”, chỉ là em có chút lợi thế về mặt thành tích so với một số bạn học sinh. Theo em, những thành tích em đạt được trong suốt quá trình học tập phần lớn nhờ vào việc em phát triển ở cả hai mảng học tập và hoạt động xã hội, chứ không chỉ riêng ở mảng học tập. Em mong muốn có thể lan tỏa thông điệp này đối với nhiều bạn học sinh, tạo động lực cho các bạn phát triển ở cả 2 mảng, và trở thành phiên bản mà bản thân mong muốn nhất.

Mai Trung Hiếu khi du học tại Mỹ năm lớp 10.

– Em có thể chia sẻ kinh nghiệm để chinh phục thành công một ngôn ngữ mới?

Khi học ngôn ngữ, em luôn có tư duy “để ngôn ngữ dần dần tự ngấm vào bản thân”, tức là mình sẽ cố gắng tối đa hóa thời gian mình sử dụng tiếng Anh, qua việc xem phim, nghe nhạc, viết bài và suy nghĩ, đều bằng tiếng Anh. Quá trình học tiếng Anh là một quá trình đường dài, và em nghĩ yếu tố lớn nhất của một người (không phải bản xứ) sử dụng tiếng Anh thành thạo là việc họ đã thay đổi lối sống và cách nghĩ của bản thân gắn liền với tiếng Anh hơn.

Em học chuyên Anh khoảng 4 năm nay (trước đó em học chuyên Toán), và lí do em chuyển sang môn chuyên tiếng Anh bởi các lý do khá cụ thể: Có được nhiều cơ hội phát triển bản thân theo hướng mà mình muốn; kết nối được với nhiều người hơn; giải trí không cần đến Vietsub.

Chắc những mục tiêu tự đặt ra như thế này đã là một động lực lớn giúp mình phần nào, tránh việc nản khi cố gắng học một ngôn ngữ mới. Những mục tiêu này khá thực tế, và nó không thiên quá nhiều về mặt thành tích hay điểm số, nên em cảm thấy cũng không quá bị áp lực. Vậy đối với những ai mới bắt đầu học ngôn ngữ, em nghĩ việc đầu tiên mọi người nên làm là tưởng tượng sau này nếu mình thành thạo ngôn ngữ đó, mình sẽ có gì. Sau đó, hãy biến nó trở thành một công cụ hàng ngày giúp mọi người kết nối đối với thế giới xung quanh.

– Ngoài tiếng Anh, em còn đam mê và học tốt môn học nào nữa?

Ngoài tiếng Anh, em tập trung phát triển kỹ năng mềm của bản thân, trong số đó có thể kể đến là kỹ năng tranh biện và hùng biện. Trong việc phát triển hai kĩ năng này, em có nhiều kiến thức thực tế, cũng như rèn luyện sự tự tin để thể hiện tốt được 2 kỹ năng chủ động khi học tiếng Anh là nói và viết – 2 kỹ năng vốn làm khó rất nhiều bạn học sinh.

– Ước mơ của em sau này sẽ theo ngành nghề gì?

Em đang ấp ủ một dự án – cũng như mô hình kinh doanh về giáo dục. Với câu châm ngôn “education is the best solution to everything”, (tạm dịch là: giáo dục là giải pháp tốt nhất của mọi vấn đề), em mong muốn có thể sử dụng năng lực, kiến thức và hình ảnh của mình để giúp nhiều bạn học sinh ở tỉnh em có nhiều cơ hội phát triển bản thân hơn.

– Trân trọng cảm ơn em.

“Từ nhỏ em đặc biệt thích thú với những chương trình phát bằng tiếng Anh trên tivi, YouTube nên đã học nghe, học nói rất hữu ích từ những chương trình này. Thêm vào đó, công việc kinh doanh của bố mẹ em thường xuyên tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với đối tác nước ngoài, hai chị gái của em đã trở thành phiên dịch viên cho bố mẹ trong những buổi như vậy nên em cảm thấy càng thích thú hơn và biết được tiếng Anh quan trọng như thế nào trong cuộc sống” – Mai Trung Hiếu.
Đức Nga