Chuyện đưa Lễ đến nhà bố mẹ vợ nhân ngày Tết
Chuyện Lễ Tết nhà bố mẹ vợ là một phong tục, một nét đẹp của những người đàn ông Việt mỗi khi Tết đến, xuân về!
Khi tôi chừng chín, mười tuổi, tôi còn nhớ, hôm ấy vào khoảng 29 Tết, trước ngày làm cơm tất niên, bố mẹ tôi chuẩn một con gà trống chừng hai cân, mấy cân gạo nếp ngon và một số lễ vật khác như rượu, trà, thuốc lá, mứt, kẹo để đưa Tết nhà ngoại (hay còn gọi là mang Lễ đến nhà bố mẹ vợ). Nhà nội tôi cách quê ngoại gần hai mươi cây số, nhưng vẫn là trong huyện. Những năm 80 của thế kỷ trước, bố tôi làm cán bộ huyện, có cái xe đạp đã là oách lắm rồi! Bố tôi chở mẹ tôi và tôi ngồi sau, bên sườn xe đạp treo một chiếc rọ tre, đan thưa như rọ lợn con, bố nhốt con gà trống vào đó rồi lấy dây chun buộc chắc. Những lễ vật còn lại được cho vào chiếc làn to đan bằng mây, treo ở ghi đông trước của xe đạp.
Sau này, anh em tôi lớn lên, biết đi xe đạp, rồi xe máy và giờ là ô tô, bố mẹ tôi giao nhiệm vụ cho tôi đem lễ tết đến nhà cụ ngoại và nhà ông bà ngoại. Thường thì đồ lễ được bố mẹ tôi chuẩn bị chu đáo, chúng tôi chỉ là người đi đưa lễ. Ngày Tết nhiều việc, bố mẹ còn chăm lo nhiều thứ, và bao nhiêu năm nay, cho tới tận bây giờ, hơn bốn mươi tuổi, vẫn nhận nhiệm vụ thiêng liêng ấy: Đi lễ tết ngoại!
Sinh ra trong một gia tộc truyền thống như vậy, con cháu cứ thấm dần văn hóa, phong tục làng xã để rồi lớp sau kế tiếp lớp trước giữ gìn những phong tục đẹp của ngày Tết. Phong tục đẹp ấy có cội nguồn từ rất xa xưa, được truyền tụng, ghi chép trên bia đá, và các sắc phong của triều đình phong kiến xưa và nay còn được lưu giữ ở đình làng Khê Thượng, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội.
Với tư cách là một người nghiên cứu văn hóa, phong tục của quê hương, đất nước tôi đã tìm về, gặp gỡ trao đổi với đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách Văn xã, và đồng chí trưởng thôn Khê Thượng, trò chuyện với các cụ cao niên trong làng thì được biết, ở đây còn truyền lại một phong tục đẹp, đó là chuyện đi Lễ Tết bố mẹ vợ của Đức Thánh Tản Viên Sơn.
Phong tục ấy đã có từ ngàn xưa, từ thủa hồng hoang dựng nước thời Vua Hùng, đã có chàng rể là Thánh tổ của nước Nam, được người Việt tôn là Đệ nhất phúc thần – Tản Viên Sơn thánh, một vị thần núi ngự ở núi Ba Vì, một ngọn núi Tổ của nước Nam ta. Tục truyền rằng: “Vào tối ngày 30 Tết với ý nghĩa tượng trưng cho việc tiễn đưa Đức Thánh Tản Viên về núi Nghĩa Lĩnh để dâng lễ tết lên bố vợ của Ngài. Vào ngày hôm đó, các vị chức sắc, các bô lão ban Khánh tiết, những người đăng cai tổ chức lễ đều phải y phục truyền thống như trong ngày chính hội, đầu đội mũ mão. Người ta thường tiến hành tế lễ tại đình theo nghi thức truyền thống, sau đó tất cả sẽ cùng dân làng đi ra bến đò làng Khê Thượng. Đây chính là lễ đưa tiễn Đức Thánh Tản qua sông Đà.
Tối ngày 30 Tết, sau khi làm lễ tại đình xong, các chức sắc và bô lão cũng những người trong bàn Tế sẽ cùng dân làng, tề tựu đông đủ tại bến đò. Khi lễ tiễn bắt đầu, người lái đò (mặc trang phục màu đỏ) sẽ lặng lẽ bước xuống đò đợi sẵn ở đó,sau đó ông chèo chiếc đò không từ bến làng Khê Thượng sang đến bến đò Bộ thuộc địa phận xã Thạch Đồng, huyện Tam Thanh, tỉnh Vĩnh Phúc. Mọi người đều ngầm hiểu rằng Đức Thánh đã lên con đò đó để qua sông và Đức Thánh Tản sẽ không đi một mình mà còn có rất nhiều quân lính đi theo hộ tống Ngài. Do đó người lái đò sẽ phải chèo thuyền đi đi lại lại ba lần qua sông, đó còn được gọi là trò Rước Chúa Trai. Tiếp theo, dân làng sẽ ai về nhà nấy để chuẩn bị cho ngày lễ Tết cổ truyền, đón Giao thừa với một tâm trạng phấn khởi, hào hứng và hy vọng một năm mới sẽ gặp nhiều may mắn.
Chiều ngày mồng 2 tháng Giêng, người làng đã chuẩn bị xong kiệu, hương án, cờ trống bên bờ sông Đà để cử hành nghi lễ bái vong Ngài tại ngọn núi Nghĩa Lĩnh để rước Ngài về.
Sang sáng ngày mồng 3 Tết, tất cả dân làng sẽ mở hội tưng bừng. Nhiều trò chơi và cuộc thi được tổ chức, sân đình trở nên nhộn nhịp hẳn lên với các trò như: đấu vật, chọi gà, chơi cờ, hát chèo, tổ tôm và nhiều trò chơi, cuộc thi khác. Trong đó, cuộc thi đấu vật luôn thu hút được sự quân đặc biệt từ dân làng và khách xem hôi. Người dân ở đây thường gọi là đấu vật thờ Thánh, với mục đích khuyến khích tinh thần thượng võ của người dân trong làng, đồng thời ôn lại sự kiện Sơn Tinh thắng Thủy Tinh nhờ vào lòng dũng cảm và sức khỏe phi thường của mình.
Tinh thần thượng võ của nhân dân Khê Thượng còn thể hiện ở trò “Chém may”. “Chém may” là một tục lệ khá độc đáo của làng, được tổ chức vào ngày mồng 7 tết. Dân làng sẽ chọn ra những trai tráng khỏe mạnh nhất, yêu cầu không có tang chế và không gây điều tiếng gì trong năm. Những người được chọn sẽ tự tập các thế múa dao sao cho thuần thục. Nếu không biểu diễn được tốt sẽ cảm thấy có lỗi với thánh, với gia đình. Sáng ngày mồng 7 các chàng trai sẽ cởi trần, đóng khố màu đỏ, đầu chất khăn đỏ, tay trái có cầm chiếc thuyền giấy màu đỏ, tay phải cầm một con dao. Các chàng trai vào lễ thánh ở trong đình sẽ bước ra sân để tề tựu trong sự chờ đợi, háo hức của dân làng. Tại đó, người ta cũng dựng một hàng cây chuối to, thẳng đứng đều nhau, cách chừng vài mét, sao cho lúc các chàng trai múa lượn được thoải mái. Khi tiếng trống nổi lên, các chàng tra tham gia đấu vật cũng từ từ biểu diễn các điệu múa từ chậm đến nhanh dần, nhanh dần theo nhịp của tiếng trống. Đến khi nhịp trống thúc đổ dồn thì cũng là lúc các đường dao cũng quay xoáy tít và các chàng trai sẽ tiến dần đến chỗ các cây chuối. Nhanh như chớp họ nhảy lên, lúc đấy người ta chỉ nhìn thấy được vệt dao loang loáng và lướt một cái rất nhanh ngang qua thân cây chuối thi hấy thân chuối đổ gục mà đoạn dưới vẫn còn đứng nguyên như chưa hề động đến. Tiếng reo hò cổ vũ náo nhiệt vang dậy, đường chém ngọt của con dao sắc, thân chuối đứt gãy báo hiệu cho điều lành. Bởi vì người dân trong vùng tin rằng các quân thủy quái của Thủy Tinh đều khiếp sợ nhát chém như vậy, vì sợ nên họ sẽ từ bỏ ý định phá hoại, và quấy rối dân làng. Người người đều vui mừng, hồ bởi cùng nhau vào lễ tạ trong đình và kéo nhau ra về với niềm vui và tin rằng năm đó sẽ có nhiều niềm vui, bởi “vạn sự khởi đầu nan” đầu năm mới đã rất tốt đẹp rồi. Mọi người cũng chúc tụng nhau, cùng nhau vui chơi đến ngày hội cuối cùng”.
Một phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta đã có từ ngàn xưa, nay đang đứng trước sự mai một của thời gian, của những người kế tiếp văn hóa truyền thống ấy, không tiếp nối được những nghi thức Tế lễ cổ truyền của dân tộc, nên nghi thức dần dần được đơn giản để phù hợp với thời đại công nghiệp, thời đại của 4.0, rồi tiến tới 5.0. Nhưng chắc chắn rằng Lễ Tết bố mẹ vợ sẽ vẫn được duy trì và tiếp nối cho đến mai sau về một phong tục lễ tết, một truyền thống tốt đẹp của người Việt để tưởng nhớ về Tổ tiên ngày Tết, đặc biệt là Tổ tiên bên ngoại của mỗi chúng ta, một hạt nhân trong cộng đồng người Việt xưa và nay…