Chuyên gia ‘mách’ cách học online hiệu quả khi ở nhà
Sau một tuần học sinh nhiều tỉnh, thành trên cả nước học trực tuyến ở nhà vì dịch COVID-19, xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về hình thức học này. Nhiều nơi vẫn bê nguyên phương pháp dạy trực tiếp sang hình thức học trực tuyến, thời lượng ngồi máy tính rất nhiều đối với học sinh tiểu học… đã có tác động không nhỏ đến sức khỏe, tâm lý của học sinh.
TS Giáp Văn Dương, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Times School:
Khuyến khích giáo viên dạy học qua các trò chơi
Ngay sau khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, Trường Tiểu học Times School tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh toàn trường. Phương pháp dạy học có được điều chỉnh theo hướng nhấn mạnh vào tinh thần của môn học và lõi kiến thức của bài học, duy trì tương tác qua các trò chơi và khuyến khích học sinh tự học, tự đọc sách ở nhà.
Phương pháp giáo dục chủ đạo của chúng tôi là phương pháp Đồng kiến tạo. Theo phương pháp này thì học sinh được trao quyền và trao cơ hội để khám phá và tạo ra kiến thức cho mình, thay vì bị áp đặt từ phía thầy cô. Chính vì thế, khi dạy trực tuyến, tinh thần đồng kiến tạo này vẫn được duy trì và khuyến khích. Vì thế, chúng tôi không tham lam nhồi nhét kiến thức mà nhấn mạnh vào tinh thần chung của môn học và kiến thức cốt lõi của từng bài học. Những nội dung còn lại chúng tôi sẽ khuyến khích học sinh tự học, tự khám phá.
Tôi vẫn cho rằng phải giữ được niềm vui học tập thì việc học mới có hiệu quả. Vì thế, ngoài tinh thần đồng kiến tạo, chúng tôi có cả một quy trình khởi động và triển khai tiết học để tạo ra bối cảnh học tập phù hợp. Chúng tôi cũng khuyến khích giáo viên dạy học qua các trò chơi để tăng cường kết nối thầy – trò trong quá trình học và duy trì không khí vui vẻ trong lớp học, dù là trực tiếp hay trực tuyến.
Tôi cho rằng việc dạy học trực tuyến sao cho hiệu quả, ngoài các vấn đề kỹ thuật như đường truyền internet, phần mềm sử dụng, thì phương pháp dạy học rất quan trọng. Phương pháp phù hợp nhất là phương pháp đồng kiến tạo. Theo đó, học trò được trao quyền và trao cơ hội khám phá và tạo ra kiến thức cho chính mình. Ngoài ra, văn hóa dạy thật – học thật – sống thật cũng rất quan trọng .
Suy cho cùng, nếu thầy dạy thật, trò học thật, và nhà trường biết cách tạo điều kiện và văn hóa học đường sao cho việc dạy thật – học thật – sống thật đó được diễn ra một cách tự nhiên, thì dù là học trực tuyến hay trực tiếp, thì việc dạy và học vẫn diễn ra suôn sẻ và hiệu quả.
PGS TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội)
Thời gian tiếp xúc với màn hình đối với trẻ từ 12 tuổi trở xuống không quá 2 giờ/ngày
Để con học trực tuyến một mình có hiệu quả thì cha mẹ lại phải đồng hành với con để rèn lại các kỹ năng. Dạy kèm con học trực tuyến như dạy con đi xe đạp vậy. Chúng ta phải hướng dẫn cụ thể từng bước một như dạy đi xe đạp như chân để bàn đạp ở đâu, tay như thế nào, thậm chí phải hỗ trợ giữ thăng bằng xe cho con. Đến khi con hình thành thói quen học rồi thì thỉnh thoảng cũng phải hỏi chuyện, để biết con gặp vấn đề gì. Con thành thạo hẳn và có kỹ năng tự học mới có thể để con học một mình. Như vậy, cha mẹ càng đầu tư thời gian nhiều vào giai đoạn đầu để hình thành thói quen thì càng tiết kiệm thời gian cho sau này.
Về thời gian học với bậc tiểu học, các nghiên cứu tâm lý cho thấy việc học trực tuyến sẽ có hiệu quả nhất khi được kết hợp với các nhiệm vụ trực tiếp xen lẫn những khoảng thời gian nghỉ. Căn cứ vào các nghiên cứu về sự chú ý khi xem các chương trình truyền hình. Mức độ tập trung chú ý của cá nhân chỉ cao trong khoảng 15-18 phút vì vậy các phần học online có lẽ cũng chỉ nên thiết kế trong khoảng 15-18 phút. Sau đó đến các phần giao nhiệm vụ thực hiện trên thực tiễn và nghỉ ngắn trước khi tiếp tục một phiên học online khác.
Tuy chưa có những bằng chứng nghiên cứu trực tiếp về tổng thời lượng học trực tuyến bao nhiêu một ngày là vừa phải nhưng dựa trên khuyến cáo của những nhà nghiên cứu tâm lý học thần kinh thì thời gian tiếp xúc với màn hình đối với trẻ từ 12 tuổi trở xuống không quá 2 giờ /ngày, người từ 12- 18 tuổi không quá 5 giờ /ngày.
Để tiếp tục học trực tuyến, cha mẹ cần tìm hiểu phong cách học tập của con, trẻ cũng cần hiểu về cách đầu óc của chúng hoạt động và tiếp thu hiệu quả hơn qua kênh hình hay kênh tiếng, điểm mạnh và điểm yếu trong phản xạ học tập, những khó khăn học tập hiện tại, những khiếm khuyết về thính lực, thị lực để từ đó lập kế hoạch cho việc các em muốn học như thế nào; lên kế hoạch theo dõi tự đánh giá để tự khắc phục điểm yếu, thành công hơn trong học tập trực tuyến.
Phụ huynh cần nhận diện sớm các dấu hiệu mất cân bằng thời gian dành cho màn hình và các hoạt động thể chất khác. Hạn chế con tiếp xúc với thiết bị điện tử, trò chơi, youtube hoặc tivi ngoài giờ học trực tuyến một cách hợp lý. Cài đặt chế độ (giảm sáng, dán màn hình…) để hạn chế ánh sáng xanh của màn hình có hại cho mắt. Giúp con thiết lập một không gian học tập riêng và cố định để tạo sự liên kết giữa không gian và hoạt động học tập. Có quy định để các thành viên không được xâm phạm không gian này khi con học. Bố trí đầy đủ thiết bị và tiện nghi vào đó.
Đặt ra quy tắc, bắt đầu một buổi học trực tuyến bằng một hoạt động nhẹ nhàng bên ngoài với thiên nhiên. Như đơn giản như đi dạo một vòng ở sân, vườn nơi có không gian xanh, ngồi trên ban công mở cửa sổ đón không khí trong lành, ngắm mây bay và nói những gì con tưởng tượng dựa trên hình những đám mây, giúp bố mẹ chăm sóc cây hoa… Hoặc những hoạt động nào mà con thích mang lại sự thoải mái như tắm hoặc làm một vài động tác thể dục, yoga, thiền mindfulness.