Hà Nội và bốn mùa hoa

0 667
Hà Nội, thành phố của những mùa hoa. 12 tháng luôn có những loài hoa rực rỡ, cuốn hút. Những ngày này, trên các nẻo đường Hà Nội, hoa xoan đang nở những chùm màu tím bàng bạc. Bằng lăng bình thản đâm chồi đỏ dưới mưa li ti, các gánh hàng hoa thì ngập tràn loa kèn trắng…
Nói về hoa Hà Nội, hình ảnh đầu tiên hiện lên trong tôi là những chiếc xe đạp chở đầy hoa với vòng quay đều trên phố. Trong cái vất vả của mưu sinh, vẫn thấy toát lên vẻ đẹp bình yên mà mộc mạc. Đó chính là nét duyên của Hà Nội.
Người Hà Nội yêu hoa và trân quý cái đẹp. Với họ, cuộc sống thiếu hoa như thiếu tiếng cười trẻ thơ. Ngay cả trong những năm tháng đánh Mỹ, chợ hoa Tết Hàng Lược chưa bao giờ lỗi hẹn với người yêu hoa đất Kinh kỳ. Trong thời kỳ kham khó, ăn thiếu mặc rét, người Hà Nội vẫn có một vẻ bình an, thư thái. Hoa vẫn nở đầy ban công, nhiều gia đình vẫn giữ nếp mùa nào hoa đấy trong nhà. Chỉ là vài bông cúc vàng đơn giản hay mấy bông đồng tiền đơn mộc mạc, giản dị cắm trong bình gốm thôi, nhưng toát lên vẫn là cái cốt cách tao nhã, thanh lịch, tình yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp của người Hà Nội.
Ảnh tư liệu.
Xưa kia, để phục vụ cho nhu cầu chơi hoa, thưởng hoa, từ khi về định đô tại Thăng Long, nhà Lý đã cho thành lập những “hoa điền” ven kinh thành. Thăng Long – Hà Nội của những “làng lúa – làng hoa” ra đời mạn hồ Tây. Cuộc sống đổi thay, nhiều vùng đất này giờ không còn trồng hoa, Hà Nội lại có thêm những làng hoa mới ở quận Bắc Từ Liêm hay cả vùng hoa rộng lớn ở các huyện Mê Linh, Gia Lâm, Chương Mỹ… Bởi thế, tha hồ hoa. Trong các gia đình người Hà Nội mỗi mùa lại tươi thắm một loài hoa.
Người Hà Nội chơi hoa rất có gu. Tết đến xuân về, trong phòng khách không thể thiếu cành đào, chậu quất. Tuy nhiên, các giò thủy tiên trong bát sứ cổ và hương thơm quý phái của loài hoa này mới là biểu tượng ngày Tết Nguyên đán của người Hà thành.
Tháng tư ngập tràn phố phường là sắc trắng tinh khôi của hoa loa kèn. Những ngày này, trong nhà người Hà Nội mà không có lọ hoa loa kèn, cứ như thể thiếu cái gì đó. Sang tháng sáu mùa hạ, người Hà Nội yêu hoa lại cắm những bình sen thơm ngát. Tháng mười hai, những gánh hoa cúc họa mi trắng muốt, mộc mạc làm phố phường ngày trở gió đầu đông náo nức lạ kỳ. Tháng này gần như nhà nào cũng cắm cúc họa mi…
Ấy là còn chưa kể đến trên các con phố Hà Nội luôn có những loài hoa nở quanh năm. Tháng hai đến, hoa ban tím ngắt những góc phố; tháng ba về, hoa sưa nở trắng trời; tháng năm, tháng sáu hoa phượng, hoa bằng lăng rực rỡ dưới nắng hè. Rồi tháng mười, mười một lại nồng nàn hoa sữa…
Với người Hà Nội, chơi hoa không đơn thuần là để ngắm hoa, mang hương sắc thiên nhiên vào nhà, mà còn là cách để thưởng hoa, để rèn tính kiên nhẫn. Một chậu hoa, một cây thế… kết tinh trong đó cả trí, tài, thần, tình của một cốt cách văn nhân.
Ảnh: Nguyễn Duy Kiên
Chẳng hạn như thủy tiên, loại hoa không thể thiếu được trong ngày Tết của người Hà Nội. Đây là loài hoa khó tính đòi hỏi người chơi phải công phu từ khâu lựa củ, gọt hoa, chăm uốn… Người chơi hoa phải biết nương theo cái thất thường của thời tiết mà kìm, ủ, thúc cho hoa nở không sớm, không muộn, mà cứ đúng giao thừa mới nở hàm tiếu. Người xốc nổi, nóng tính, hấp tấp, vội vàng khó chơi được hoa này vì rất dễ bị phạm, gãy, hỏng.
Hay như theo kinh nghiệm của các cụ cao niên ở chốn Hà thành, hương thơm tinh tế của các loài hoa nhài, hoa sói, hoa ngâu… có tác dụng làm dịu đi sự căng thẳng và cung cấp thêm năng lượng cho cơ thể. Bởi vậy, người Hà Nội thường ướp trà trong hoa để thưởng thức. Trong các loại trà hoa kể trên, sang trọng nhất là trà sen, mà phải là sen Bách Diệp ở hồ Tây. Trà sen không khó ướp, nhưng để ướp sen hồ Tây đúng chuẩn người Hà Nội thì vô cùng công phu, từ cách hái sen, lấy gạo sen đến công thức tẩm ướp rất cầu kỳ để chén trà toát lên được hương vị riêng, khiến đặc sản này đã trở thành niềm tự hào của người Hà Nội.
Ảnh: Phạm Lợi.
Thiên nhiên ban tặng cho Hà Nội 12 mùa hoa, giúp tô điểm, tạo thêm sức cuốn hút kỳ lạ cho mảnh đất này. Và người Hà Nội luôn biết cách thưởng thức để những mùa hoa ấy tăng phần rực rỡ.
TH