Truyện ngắn: Hồn gốm

Trà ra vườn ngắt mớ đọt bí vô luộc chấm mắm nêm. Bữa sáng từ phố thị út Nhỏ gọi điện nói nhớ ngoại, cộng thêm phần than thèm rau luộc. Ừ, rứa về ăn mệt nghỉ, vườn lủ khủ rau. 
Trà rời phố gần hai năm, chỉ quay lại hồi mùa hè rồi chăm ngoại trong viện. Cơn đột quỵ tuổi tám mươi tưởng rút cạn sạch sức lực cuối cùng, rứa mà ngoại vẫn một gốm hai gốm ba cũng gốm tới độ Trà giận rấm rức khóc: “Ngoại không thương con”, lúc ngồi trên giường xoa bóp tay chân cho bà. Ngoại miết bàn tay lên mặt Trà, biểu thôi nín đi con, có rứa cũng khóc, ngoại mà một bữa không chạm vô đất là bứt rứt, bụng dạ cồn cào như thiếu thứ chi hệ trọng lắm. Trà đi qua biển đời tính ra cũng đâu có ngắn, hai bảy tuổi đầu rồi, mà chưa thấy ai có đôi bàn tay như ngoại, mịn và mát, và vắng bóng vết đồi mồi như thách thức tuổi tác, kiểu lão hóa ngược sắp trẻ chừ hay ví von về những gương mặt đẹp bì thời gian bỏ quên. Hồi nhỏ, Trà thích mê mỗi bận ngoại đưa tay vuốt má mình, mè nheo nữa đi ngoại, nữa đi. Hai đứa em chu môi, chọc chị tham, giành ngoại miết chẳng chịu dành phần người ta, Trà nhe răng cười.
Nghĩ ngợi vẩn vơ, Trà không để ý ngoại đang chống gậy liêu xiêu bên ảng nước. Trà quýnh quáng chạy vô hỏi răng rứa ngoại, ngoại mệt hả, hay ngoại cần chi con lấy. Ngoại biểu kiếm lá gai về quết làm bánh, ghé ông Năm mua ít đậu xanh, nhà hết trơn. Trà tưởng nghe lầm phải hỏi lại mấy lượt: “Ngoại nói chi rứa?”, “Thiệt hả ngoại?”. Giọng ngoại đứt quãng giữa từng chữ, nhưng đôi môi cười vẫn nguyên xi như hồi Trà còn con nít: “Chớ khi không tau nói bậy với bây chi”.
Cắp bên hông thau lá gai, tay kia cầm bịch đậu xanh, Trà dáo dác gọi “Ngoại ơi!”. Ngoại không có trên giường, chõng tre ngoài hiên trống trơn. Thường khi, ngoại vẫn ngồi đó, sớm và chiều im lìm. Từ đột quỵ, phải mất nửa năm kiên trì vịn vai con cháu, vịn tường tập ngoại mới lại bước được những bước đi đầu, ăn lưng chén cơm và ngồi vững không cậy ai làm chỗ dựa. Nỗi sợ lăn từ đáy tim Trà ra, đó là mấy bữa mới rời bệnh viện, ngoại cứ hỏi: “Thằng Canh mô rồi?”. Ngoại cố rướn mình, níu áo má, nài nỉ, cô ơi, có chi cho thằng Canh của tui ăn ké với, hắn đói tội nghiệp. Má lủi ra sau, ngồi bệt dưới chái bếp khóc sướt mướt, phần lo ngoại mất trí nhớ như người làng đe “Cái bệnh ni đau thân là thường rồi, còn khổ trí thứ hai thì chẳng cái chi dám nhận thứ nhứt”. Khổ, với cả người bệnh lẫn người nhà. Phần nữa, như đã từng, má lẫy nói ai nghe được chắc tưởng ngoại đứt ruột đẻ “thằng Canh của tui”, còn má thì lượm đâu dưới vũng sình về nuôi, hay tệ hơn là con gái nhà người ta chưa biết chừng.
“Thằng Canh” là ba Trà.
Kiếm ngoại đâu khó, chân bà đi được nhiêu bước, Trà nhận ra sau mấy bận rùm beng táo tác nghĩ ngoại lạc. Di chứng đột quỵ đã cải thiện được đôi ba phần, ngoại vẫn nhớ quên đứt đoạn, duy chỉ có gốm không sứt mẻ. Lò gốm nằm tựa lưng vô vách núi, ngay đằng sau nhà. Cửa đã đóng im ỉm, vài ba tháng má con Trà mới nhào đất nung chừng mấy trăm cái tộ, vài chục bùng binh, nồi đất kho cá, Trà chở đi bỏ sỉ chút ít, còn lại bày ngoài cửa hàng. Ngồi ngáp ruồi bán miết không hết, má lưng chừng mâu thuẫn giữa dẹp luôn với cứ để rứa. Ba đã xin làm bảo vệ cho cửa hàng xe máy trên thị trấn. Sở dĩ giữ lò là bởi ba má sợ ngoại một bữa mô hoàn toàn tỉnh táo, nhỏm dậy đòi ra ngồi chuốt gốm, thì chết nghe, biết ăn nói răng. Đời ngoại thạo nhứt là chuốt gốm và quết lá gai gói bánh ít, một bữa xưa ơi là xưa, ngoại vuốt tóc Trà kể chuyện: “Hồi nớ cưa đổ ổng cũng nhờ thứ ni”. Kỳ thực, gốm với ngoại còn nhiều tầng ý hơn cái vụ cưa đổ ông. Ngoại nói mình sinh ra từ đất đồng, bên ni núi, bên tê sông, nhớ mang máng rứa, nhưng không biết chắc nhà cửa, cha ông ở mô, ai còn ai mất sau mấy bận nổi trôi chạy giặc. Y rằng tỉnh giấc chiêm bao là thành mồ côi, đứa con gái mười ba tuổi bắt đầu xấc bấc đi hái mít, xắt chuối cây thuê, rồi bôn ba chạy chợ bán la ghim, phải tới khi gặp được ông ngoại Trà mới hay mình cũng có khả năng thạo một cái nghề, bớt ăn nói bỗ bã đi, và sẽ có một gia đình thiệt sự. Nhà mấy đời mần gốm, ông ngoại lại không mê, chỉ muốn theo bộ đội. Để tránh cảnh lụt nghề, cố nội truyền cho con dâu. Ngoại đã ngồi chuốt gốm miệt mài hơn sáu chục năm. Trà chập chững bước đi đầu, Trà vô cấp một, lên cấp ba, rời trường phổ thông ra thành phố học, nhận một chân thủ thư trong thư viện trường đại học, bất chấp tháng năm ngoài kia trôi ngoại vẫn kê đòn ngồi vê đất, đạp bàn xoay nắn, vuốt tạo hình cái tộ, cái nồi, trong khi ba đảm trách mấy công đoạn làm đất, phơi và khuân vác, má giao tế bán buôn, từ tóc ngoại hãy còn xanh tới chừ đã bạc trắng. Ngoại chuốt gốm nuôi con chờ chồng, chuốt gốm gánh gồng áo cơm, trông chừng lũ cháu nheo nhóc cũng chuốt gốm. Và, chỉ gốm thôi. Ông Năm trưởng làng nói chừng mô còn ngoại thì gốm Hà Phước ni còn.
Cánh cửa thiếc mở toang, ngoại đang luyện đất sét, lưng khòm và tay thì run, với sự trợ sức bắt đắc dĩ của út Nhỏ vừa trở về từ phố đông. Hai đứa em sau Trà ít mặn mà với gốm, mần cực òm, bán lại khó, chừ gốm sứ công nghiệp ê hề, mẫu mã siêu đẹp, giá lại rẻ rề tha hồ chọn, còn mấy ai xài đồ đất nữa Hai, cái lý của tụi hắn cũng đúng, Trà nghĩ. Kể đâu xa, như làng Hà Phước, xưa có tới cả trăm hộ mần gốm, thuyền bè ngược xuôi chở đất sét chất đầy kho dự trữ, và cũng thuyền bè ngược xuôi đưa những cái tộ, cái chén, bộ ấm trà, nồi nấu cơm, lu đựng gạo “rất Hà Phước” tỏa đi muôn phương. Chục năm trở lại đây, lò nối lò đã ngưng đỏ lửa, không còn ai dự trữ đất sét hay canh me mua vỏ cây keo về làm củi, trung niên thì ra thành phố xin vô mấy xưởng gốm sứ công nghiệp, lứa trẻ đi học kỹ sư, bác sĩ mộng đời đời. Chỉ riêng ngoại còn hoài thiết tha, vẫn giữ thói quen cúi xuống hít hà, móm mém cười thương đất nung thơm, cần mẫn thu trọn tâm can màu lửa rực cháy và tiếng củi lép bép đượm mùi khét nghẹt. Ngoại khỏe,  ngoài cổng vô sân, ngược ra sau chái bếp kéo dài tới cửa lò nhà Trà, chỗ mô cũng gốm, có những loại nhỏ xíu như bộ ly uống trà, chén đổ bánh bèo tới nồi nấu cơm, ấm sắc thuốc, cối giã gia vị, bùng binh, ông bình vôi, lu gạo…
Trà vòng tay ôm cổ ngoại từ sau lưng, bà huých nhẹ cùi chỏ: “Để tui làm cái nề. Bữa chừ dặn lắm hả Trà, răng bỏ lò lạnh ngắt?”. Trà bối rối, đầu óc giãn ra cố kiếm vài lý do, dẫu biết, suy cho cùng, lý do lý trấu chi cũng không xóa được cái thực tại áo cơm, gốm Hà Phước chừ thưa khách, biết có ai còn nhớ, ai quên. Mình đâu trách được bởi gốm làng thuần đất, mọi công đoạn bằng tay, từ tạo hình tới hoa văn đều mặn mòi mồ hôi thợ, người ưng sẽ thiệt là ưng, người chê đã có ngay cái ly khô khan, ngó miết chỉ một màu phát chán và đất thì nồng.    
Sau rốt, thay vì trả lời, Trà lảng sang chuyện khác: “Ưng ăn bánh ít chừ hả ngoại?”, “Mô, ngoại nghe út Nhỏ về thì làm thôi, với ba bây ưng bánh ni. Nhớ hồi bảy hai, làng cháy trụi, hắn bị phỏng nặng cái chưn, ngoại thấy ứa nước mắt thổi phù phù miết, mà rồi ông Năm đưa cái bánh ít là ảnh nhe răng cười ăn ngon lành, coi như không có vụ cháy luôn”. “Ngoại không thương má hả ngoại, má cực thấy mồ chớ bộ”, út Nhỏ phụng phịu. Ngoại rầy, bậy nà con, bốn chục, năm chục tuổi mất má cũng là trẻ mồ côi, huống hồ hồi nớ hắn mới bảy tuổi đầu, bây phải biết thương ba nhiều vô. Hồi nớ là năm sáu tư “họa năm Thìn” mà bọn Trà được dạy về sau. Lụt kinh khủng, mưa trút ào ào liền tù tì chục ngày, nước vây làng bốn phía, ngoại kết bè chuối đưa ba đứa con mũi dãi lòng thòng tìm đường thoát thân. Giữa dòng ngầu đục, thình lình xuất hiện cái chum lù lù tiến tới, ngoại sáp lại gần, linh tính người đàn bà quen sông lũ trong những hoàn cảnh như rứa thường ít khi sai. Thằng bé gầy đét, mặt nhợt nhạt, run, và đói rã ngồi thu lu trong chum. “Răng không kêu lên cho người ta biết, cái thằng ni”, ngoại nạt ngang. Phải thấy lại phần mình ở thằng bé trong chum mà ngoại nhứt quyết giữ nó lại nuôi, mặc căn nhà và lò gốm đã biến mất không tăm tích, ba đứa con ngơ ngác đói, ông ngoại dằng dặc ngưng tin về từ chiến trường miền Nam. Hay chỉ đơn giản lòng ngoại xót trẻ, đành đoạn chi bỏ trôi tuột giữa dòng? Trà không biết, chỉ nghe kể ngoại thương ba dữ lắm, đi mô cũng dắt theo, nhà có củ khoai, củ sắn phần ba nhiều hơn chút đỉnh. Ba thì bám ngoại một nước, hở ra xí là khóc “Má ơi đừng bỏ con”, nghe đứt ruột chưa, ngoại thủng thẳng kể. Ngoại đi nhận đất sét, ngoại ngồi nhào đất, vuốt, gọt, canh lửa, phơi tộ, phơi ấm ngoài sân, ngoại quẩy đôi quang gánh chất đầy đồ đất ra chợ bán lẻ, cứ bà tới chỗ mô ba theo tới đó. Ngoại tấm tắc, không khéo hắn cũng dòng dõi nhà gốm. “Người ba bây đầy vết sẹo phỏng, chưn trái hắn co rút, là bởi cứu má bây, hắn không lẹ tay lẹ chưn thì má bây chết cháy năm bảy hai nớ rồi con ơi”, ngoại kéo vạt áo bà ba quệt mắt. Chuyện ni chị em Trà chưa từng được kể, chỉ nghe làng râm ran, tình yêu của ba má viết thành một thiên tiểu thuyết được chớ chẳng chơi. Hai đứa lớn lên cùng nhà thương nhau coi bộ kì. Hồi mười bảy, mười tám, ba ăn ngủ luôn ngoài lò, chắc tại thương má khác kiểu anh em đâm ra ngại. Cứ năm mô bão về cuốn nhà, cuốn lò biệt tăm thì ba xốc vác đắp lại lò, lợp ngói dựng lại nhà. Có một bận, nghe ai đó xì xầm chê cái chưn rứa con gái mô ưng, ba bỏ đi, nhảy xe đò vô tới Chợ Lớn bán la ghim, má một sống hai chết, ngoại phải dắt tay vô kiếm đưa về, rầy cả hai: “Bây thương nhau, má chịu, rứa là được, nghe chi bụng dạ người ta”.
“Răng mần gốm miết rứa ngoại, mệt rồi nghỉ thôi ngoại ơi”, Trà ngồi chồm hổm chống cằm gợi chuyện, ngoại nheo mắt: “Thương chớ răng con, ni là hồn cốt của làng, cũng là của để dành cho mình, lụt hay hạn, chạy mô rồi cũng còn cái nghề để mần. Sắp trẻ bây bỏ nghề hết, ngoại xót đứt ruột”.  Học quản lý thư viện, nhưng khi ngồi vô ghế thủ thư Trà mới hay mình nhầm chỗ. Ủ ê mấy năm qua ngày đoạn tháng, Trà quyết định nghỉ, về nhào đất với má mà lòng đinh ninh chỉ là cái đoạn tạm thời thôi, trong đầu vẽ ra chi chít ý tưởng từ kinh doanh tới du lịch, rốt cuộc chưa nên hình nên chạc chi, ngậm ngùi tủi mình lạc giữa mê cung thế hệ thất bại.
Kéo bàn xoay cho ngoại ngồi chuốt gốm, chăm chú dõi theo đôi tay lấm lem đất của bà. thình lình lòng Trà đâm tha thiết, mường tượng một tương lai đất lại trở mình trên những đôi tay trẻ hơn, rồi tủm tỉm cười. Ừ, để làm được rứa, mình phải bắt đầu bằng một cái bảng tên đất đặt ngoài hàng rào chè tàu.  
Bảng tên đề: Gốm của ngoại.
Theo Baoquangnam.vn