Món ăn từ côn trùng rất giàu dinh dưỡng
1. Giá trị dinh dưỡng của ẩm thực côn trùng
Ẩm thực côn trùng không phải là một khái niệm mới ở nhiều nước trên thế giới, có hơn 2 tỷ người đang bổ sung dưỡng chất mỗi ngày bằng cách ăn côn trùng, nhất là Trung Quốc, Mexico và Thái Lan. Có hơn 1.900 loài côn trùng có thể chế biến thành những món ăn dinh dưỡng như: Dế, mọt cọ, sâu bướm, châu chấu, cào cào, ve sầu, bọ cạp…
Các nhà dinh dưỡng khẳng định, với hàm lượng protein cao, giá thành rẻ, thân thiện với môi trường có thể giải quyết nạn đói trên thế giới và là “thực phẩm cứu cánh của tương lai”. Côn trùng không chỉ bổ dưỡng, ngon và ít calorie mà còn giúp giảm khả năng lây truyền bệnh cho con người hơn là các món ăn từ thịt bò, thịt lợn…
Ở Việt Nam, không thiếu món ăn ngon từ côn trùng. Tuy nhiên nếu chế biến không đúng cách, chúng có thể dẫn đến ngộ độc và gây ra các hậu quả đáng tiếc.
2. Món ăn ngon từ côn trùng
2.1. Món châu chấu rang
Là hình thức chế biến phổ biến nhất. Cách chế biến món này thật đơn giản, không khác lắm với kiểu rang con nhộng tằm, một món đặc sản bình dân rất phổ biến ở miền Bắc từ hàng chục năm nay. Với châu chấu không ngâm rửa qua nước lâu mà phải đổ nước rào rào để rửa qua.
Theo các nhà hàng chuyên làm món châu chấu thì nên chao qua nước sôi, bỏ cánh, bỏ ruột, luộc một lần với nước cà hoặc nước dưa chua, có thể cho thêm ít mì chính. Sau đó, rửa sạch châu chấu, đổ ra rá cho ráo nước đem vào xào hoặc rang. Cho mỡ hoặc dầu ăn vào chảo, chờ nóng già, cho châu chấu vào đảo đều đến lúc chín vàng và cho ít lá chanh vào là bạn đã có món châu chấu rang.
2.2. Châu chấu xào sả ớt
Món này không nên cho thêm nước vì châu chấu xào khô là cách tốt nhất để bảo toàn độ giòn tan, béo ngậy rất riêng biệt của con châu chấu. So với món rang thì châu chấu xào vẫn mềm hơn.
2.3. Món lẩu châu chấu
Là món ăn rất đặc biệt của trung nam bộ, cũng gần giống với kiểu lẩu cá lóc đồng, món lẩu châu chấu cần các thứ phụ gia như lá rút, me chua, măng dưa chua, tai chua, đậu rồng, rau ngổ….Châu chấu đã rang vàng sẽ được cho vào sau cùng khi nồi nước đã có đủ các thứ phụ gia sôi đều, hớt bọt, cho gia vị, sẽ ngon hơn nếu có vị cay của ớt và gừng.
Con châu chấu vàng rộm ngấm nước chua, đặt trên một bát bún sợi to, ăn kèm với giá đậu, chuối chát cùng các loại rau thơm khác, thật sự là một kỷ niệm khó quên.
2.4. Nhộng tằm rang lá chanh hoặc hoa hẹ
Nhộng tằm rửa sạch trong nước lã, xóc nhẹ để không bị nát. Để ráo rồi cho lên chảo bếp nóng, đảo nhẹ nhàng nhộng, nêm ít gia vị, đun nhỏ lửa cho tới khi khô, cho dầu ăn vào, bật to lửa và lá chanh hoặc hoa hẹ đã rửa sạch vào. Sau đó bắc ra ăn ngay. Thưởng thức sẽ thấy vị bùi thơm lưu lại rất lâu trên đầu lưỡi, món ăn rất đặc trưng trong văn hóa ẩm thực miền Bắc.
3. Lưu ý khi chế biến hoặc ăn côn trùng
– Tuyệt đối không sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn.
– Lựa chọn những loại nhộng, ấu trùng, côn trùng thông thường, phổ biến, còn tươi sống để chế biến thành thức ăn. Đặc biệt những người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi ăn, nếu nghi ngờ thì không ăn.
– Phải sơ chế, chế biến bảo đảm an toàn: Ngâm, thả côn trùng vào nước muối ấm, nước vôi… để côn trùng bị kích thích thải hết chất độc trong ruột, tại các tuyến ngoại tiết; Loại bỏ ruột, cánh, chân, đầu, vòi; Rửa sạch bằng nước ấm, nước muối để loại bỏ vi sinh vật, chất bẩn bám trên thân côn trùng; Để ráo nước, đun chín kỹ và ăn ngay sau khi chế biến. Tuyệt đối không ăn sống, ăn tái, nấu chín nguyên con không qua sơ chế, vệ sinh…
– Khi có người bị ngộ độc côn trùng, cần tìm cách làm cho bệnh nhân nôn hết thức ăn ra. Cho người bệnh uống than hoạt tính hoặc đậu xanh giã nát hay nước ngô non để hấp thụ chất độc trong cơ thể người bệnh. Sau đó nhanh chóng chuyển người bệnh tới bệnh viện để được kiểm tra và chăm sóc tốt nhất.
Phương Anh