Một ngày của “bông hồng thép” Cảnh sát giao thông Hà Nội
Sau khi giao ban tại đơn vị, Đại úy Lê Thanh Huyền – cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 7 (Phòng CSGT Hà Nội) ra bốt thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phân làn, điều tiết phương tiện giao thông giờ cao điểm tại nút giao Nguyễn Trãi – Nguyễn Xiển (Thanh Xuân, Hà Nội). Mỗi ca trực tại bốt của chị kéo dài 90 phút.
Sau khi ra trường năm 2006, đại úy Huyền trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau. Chị từng có thời gian dài công tác tại phòng CSGT đường thủy và mới chuyển về Đội cảnh sát giao thông số 7 được gần 6 tháng.
Đại úy Huyền chỉnh đốn lại trang phục chuẩn bị ra chốt phân làn, điều tiết giao thông.
Với gần 6 tháng tham gia công tác phân luồng, hướng dẫn phương tiện giao thông đã để lại cho đại úy Huyền nhiều kỷ niệm đáng nhớ và những bài học kinh nghiệm sâu sắc.
Đại úy Huyền cho biết, thời gian đầu khi mới đi làm tại nút giao Nguyễn Xiển-Nguyễn Trãi, nhiều người đi đường tò mò khi thấy một nữ CSGT điều khiển phương tiện, không tránh khỏi những cái nhìn đầy dò xét. Ban đầu chị cảm thấy hơi ngại ngùng, song sau một thời gian thì cũng quen và thấy mọi việc cũng đơn giản hơn.
“Mới về môi trường làm việc mới, lúc đầu tôi thấy cũng hơi vất vả, sau đó làm cũng quen dần rồi cảm thấy bình thường. Tôi rất thích thú công việc mới này, hàng ngày tôi được hướng dẫn chỉ huy giao thông để đảm bảo giao thông trên đường. Ngoài giờ điều tiết giao thông, tôi về cơ quan xử lý vi phạm, hướng dẫn người điều khiển giao thông hiểu được sự vi phạm của mình”, đại úy Huyền chia sẻ.
Tại chốt trên đường Nguyễn Trãi – Nguyễn Xiển (Hà Nội), giao thông trong giờ cao điểm buổi sáng diễn ra rất căng thẳng do lượng người tham gia giao thông đông, Đại úy Huyền phải làm việc rất tập trung mới có thể đảm bảo lưu thông thông suốt.
Đại úy Huyền cũng cho biết, trước đây làm bên CSGT đường thủy là làm công tác tổng hợp, và người vi phạm cũng rất khác khi về bên đường bộ, chị phải học hỏi thêm nhiều.
Chia sẻ về công việc, đại úy Huyền cho biết, công tác phân làn khó khăn nhất khi tín hiệu đèn giao thông lỗi nhịp hoặc hư hỏng. Khi đó, các phương tiện di chuyển lộn xộn, ai cũng muốn đi trước để tiết kiệm thời gian. Mọi người phải cố gắng giữ đúng nhịp còi đảm bảo các hướng di chuyển đều đặn, tránh ùn ứ kéo dài.
Để các phương tiện không bị ùn ứ, việc điều tiết giao thông đòi hỏi sự nhanh nhạy quan sát tốt để xử lý tình huống, vì giờ cao điểm buổi sáng rất đông đúc.
“Ngoài ra, yếu tố thời tiết lúc nắng lúc mưa cũng ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc. Thời gian đầu chuyển công tác về đội CSGT số 7, tôi cũng gặp nhiều bỡ ngỡ nhưng may mắn tôi luôn có được sự động viên của gia đình và chồng ủng hộ, hỗ trợ về tinh thần cũng như chia sẻ công việc nhà để tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, Đại úy Huyền nói.
Nhân ngày 8/3, Đại úy Huyền cũng gửi lời chúc tới những người chị, người em, người mẹ… một ngày thật ý nghĩa, sức khỏe và một cuộc sống an lành.
Một số hình ảnh của “bông hồng” cảnh sát giao thông
Đại úy Huyền nhớ lại những ngày đầu tiên ra đường thì bỡ ngỡ, công tác chỉ huy giao thông còn rất mới, ra đường đông người cảm giác rất là ngại, sau rồi cũng quen dần với việc này.
Như các đồng nghiệp nam khác, dù trời nắng nóng đỉnh điểm hay mưa rét, Đại úy Huyền vẫn phải duy trì nhiệm vụ.
Công việc hằng ngày có đôi chút áp lực nhưng Đại úy Huyền vẫn kiên trì làm việc, yêu nghề.
Tuy công việc gặp nhiều khó khăn nhưng Đại úy Huyền luôn lạc quan say mê với công việc.
Công việc hành chính của Đại úy Huyền ở đội là tiếp công dân, giải quyết thủ tục, xử lý hồ sơ vi phạm…
Việc xử lý hồ sơ cũng khá vất vả do số lượng người vi phạm luật lệ giao thông không ít.