‘Đọc sách thành thói quen xa xỉ với người trẻ bận rộn’

Tác giả Nick M. cho rằng người trẻ quá bận rộn. Vì vậy, khi hạn chế đi lại, tiếp xúc do dịch bệnh, được ‘tiêu thời gian’ vào việc đọc sách là điều tuyệt vời.

Tác giả Nick M. sinh năm 1987, từng làm phóng viên mảng phim ảnh và âm nhạc với bút danh Nguyên Minh. Anh đi nhiều nơi, phỏng vấn nhiều ngôi sao quốc tế, các chuyến đi ấy được viết trong sách Balô trên thảm đỏ. Nick M. cũng là tác giả của cuốn sách ăn khách 1987.

 là cuốn sách vừa ra mắt của Nick M. Tác giả chia sẻ về quá trình thực hiện sách.

“Lâu rồi tôi mới có thời gian đọc được nhiều như vậy”

– Là người đam mê du lịch và khám phá, những ngày dịch bệnh không thể đi ra nước ngoài, anh thường làm gì?

– Trước lúc dịch bệnh diễn ra, tôi cũng như bao người trẻ hiện đại – đam mê dịch chuyển và nay đây mai đó đi tìm kiếm trải nghiệm mới ở những vùng đất mới và coi chuyện “đi” như là một thói quen.

Nhưng mọi thứ thay đổi từ đầu năm 2020, buộc chúng ta phải “Ai đang ở đâu thì ở nguyên đó”, biến những người như tôi từ chỗ đang rất chủ động về thời gian trở thành bị động và không làm được thứ gì khác ngoài việc chờ đợi.

Khi giãn cách xã hội và “ở nhà”, tôi quan sát thấy có nhiều người coi đó như một trải nghiệm mới mẻ, vì đơn giản là trong một thời đại phát triển không ngừng và bận rộn, con người ta hiếm khi ở nhà, hiếm khi có thời gian nhìn nhận lại những thứ đã qua.

Thói quen thay đổi và tôi cũng như bao người khác theo tinh thần “ở nhà là yêu nước”, tôi lấp đầy thời gian trống bằng việc xem phim, tập thể thao, đọc tin tức, đọc sách và dọn nhà.

– Những ngày giãn cách hoặc ở nhà để hạn chế tiếp xúc, việc đọc sách có ý nghĩa ra sao với anh?

Bìa sách Cũ do Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn phát hành. Ảnh: N. N.

– Với tôi, đọc sách là điều rất quan trọng ở bất kỳ độ tuổi nào. Thi thoảng, tôi cũng băn khoăn với câu hỏi: “Người lớn hay trẻ con đọc sách nhiều hơn?”. Trẻ em có thể được tiếp cận với đủ loại sách khi còn bé, từ sách giáo khoa đến truyện tranh, tiểu thuyết kinh điển. Dù thích hay không thích, đọc sách vẫn là một thói quen của những đứa trẻ đang ở tuổi đi học. Nhưng để giữ được thói quen này đến khi trưởng thành thì không hề dễ.

Khi lớn lên, chúng ta bỗng thấy một ngày qua đi thật nhanh, thời gian ngắn ngủi mà bao nhiêu thứ để làm. Trong cuộc mưu sinh với bộn bề lo toan, đọc sách trở thành thói quen xa xỉ với những người trẻ bận rộn giữa đô thị sầm uất.

Càng già đi, con người càng phải đối mặt với nỗi sợ “mất thời gian” và từ đó vô tình buông bỏ những thói quen tiêu tốn nhiều thời gian, trong đó có đọc sách.

Nhưng khi giãn cách, mỗi ngày trôi đi với rất nhiều khoảng trống và chúng ta lại tìm nhiều cách để “giết thời gian”. Quãng thời gian ngồi nhà, tôi dọn lại tủ sách của mình và nhận ra có những cuốn sách vẫn còn mới tinh, mình từng mua nhiều năm trước nhưng chưa hề động tới trang nào.

Cũng có những cuốn sách tôi đọc đi đọc lại không thấy chán, như Hội hè miên man của Hemingway hay tập truyện ngắn The Elephant Vanishes (Con voi biến mất) của Haruki Murakami.

Tôi bắt đầu mỗi ngày bằng việc ăn sáng, uống cà phê và tìm một góc thật đẹp trong nhà để ngồi đọc sách. Cảm giác như rất lâu rồi mới có thời gian đọc được nhiều sách đến vậy.

– Ngoài đọc anh cũng viết sách và vừa ra mắt cuốn “Cũ”. Điều gì khiến anh viết sách với chủ đề “cũ”?

– Cũ được hình thành từ những ngày giãn cách xã hội đầu tiên khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát ở Việt Nam vào tháng 3/2020. Mọi thứ bắt đầu khi tôi xem bộ phim điện ảnh Thái Lan – Happy Old Year – trong thời gian này, với chủ đề về dọn nhà và buông bỏ ký ức.

Khi ấy, tôi chỉ nhen nhóm ý tưởng viết một cuốn sách nói về việc điều gì xảy ra khi thói quen bị thay đổi. Xem xong phim, tôi được truyền cảm hứng cho việc dọn dẹp lại nhà cửa, vứt bớt đồ đạc không còn sử dụng cho thêm không gian sống.

Tuy nhiên, những món đồ từ “xưa xửa xừa xưa”, càng dọn nhiều lại càng mất thời gian nhìn lại. Tôi nhận ra trong tâm trí mỗi người đều tồn tại những nhà kho vô hình. Ta ném vào đó những hình ảnh, thông tin không còn giá trị sử dụng, hoặc không muốn nhớ đến.

Nhưng chúng không thực sự biến mất mà cứ nằm đó trong tiềm thức, không theo một trình tự nào và đến một ngày bất ngờ trở lại khi ta nhìn thấy một món đồ cũ, vô tình lặp lại một thói quen cũ hay nghĩ đến một ai đó đã lâu không gặp.

Và ý tưởng sách  đã ra đời trong bối cảnh dọn nhà, là một cuốn sách mở, ai cũng có thể viết tiếp những câu chuyện về dọn dẹp ký ức.

Tác giả Nick M. Ảnh: NVCC.

Dọn dẹp ký ức để trân trọng hiện tại

– “Cũ” được hình thành trong lúc anh ở nhà nhiều, hẳn quá trình viết sách cũng thuận tiện hơn khi anh có nhiều thời gian?

– Quá trình thực hiện  không hề đơn giản với tôi. Vốn là người ưa xê dịch, tôi chỉ có thể tìm thấy cảm hứng viết khi được đi đây đi đó. Việc ngồi nhà và phải “nặn” ra câu chữ mà khi đọc thấy cảm xúc của người viết trong đó là rất khó.

Ngoài ra, tôi còn phải đối mặt với chứng trầm cảm nhẹ khi mọi kế hoạch tương lai đều đổ bể vì dịch bệnh. Điều đó khiến tôi mất phương hướng trong một thời gian. Đó là một cảm giác rất tồi tệ dù cho năm vừa qua, thế giới ngoài kia còn nhiều thứ kinh khủng hơn.

Tôi tìm cách vượt qua nó bằng việc viết sách, dọn dẹp lại bản thân, ký ức. Khi  hình thành, nó giống như việc tôi vừa dọn một nhà kho cũ chật ních đồ, vứt đi những thứ không cần thiết, lau bụi những món đồ giữ lại và xếp ngay ngắn vào các ngăn tủ.

– “Cũ” của anh có được thực hiện theo trào lưu hoài niệm tuổi thơ đang thịnh hành hiện nay? Anh muốn gửi thông điệp gì qua sách?

– Đúng là xu hướng viết lách hiện nay hướng nhiều về những thứ hoài niệm, đặc biệt là tuổi thơ vì đó là giai đoạn đẹp đẽ, đáng nhớ và là thứ dễ cảm với nhiều người.

Nhưng tôi viết trong Cũ rằng những người chỉ biết sống trong quá khứ là những kẻ “ăn mày” bất hạnh, vì ở họ lúc nào cũng chỉ có sự nuối tiếc và không hài lòng với thực tại.

Cũ có những điểm mà tôi vẫn hay đùa với bạn bè, gọi đó là “selling point” (điểm lợi thế để đem rao bán) như nói về chuyện ngày xưa, gợi lại những món đồ mang dấu ấn thời gian nhưng không hẳn là hoài niệm mà sẽ thiên về chuyện làm sao để buông bỏ quá khứ.

Thông điệp của  chỉ đơn giản là ký ức nhắc nhở chúng ta trân trọng hiện tại và những gì đang có. Cái nào “mới” rồi cũng trở thành “cũ” sau một thời gian, nên thực tại là quan trọng nhất.

Tác giả Nick M. trong một lần tác nghiệp. Ảnh: NVCC.

– Sách nhắc tới những món đồ chơi, kỷ vật “cũ”; trong khi đó, đời sống hôm nay đã thay đổi chóng mặt vì tác động của công nghệ. Những món đồ cũ như anh nhắc tới sẽ có ý nghĩa gì với bạn đọc hôm nay, nhất là với Gen Z?

– Tôi sinh năm 1987, thuộc Gen Y, được trải nghiệm thế giới của thời kỳ tiền Internet; sẽ có những cảm giác mà Gen Z không bao giờ biết được vì thế hệ này gắn với thời đại công nghiệp 4.0. Và khi công nghệ đưa con người tiến lên phía trước, sẽ có những thứ bị bỏ lại phía sau.

Mỗi một thời kỳ sẽ có những cảm giác bị mai một đi và không còn tồn tại. Những món đồ cũ tôi nhắc đến trong sách nay đã biến mất hoặc không còn được sử dụng nhiều như trước, nhưng nó mang dấu ấn của thời kỳ và những ai có kỷ niệm với nó thì sẽ nhìn lại một giai đoạn và tự hỏi hồi ấy có vui như bây giờ không.

Gen Z khi đọc nửa đầu cuốn sách cũng sẽ phần nào được khám phá một “thế giới tiền Internet”. Ở nửa sau lại chính là những vấn đề mà thế hệ nào rồi cũng phải đối mặt.

– Theo anh, kỷ niệm, ký ức có vai trò gì với sự trưởng thành của một người trẻ?

– Nó giống như một hành trang của cuộc đời và không có ai trưởng thành mà thiếu đi ký ức hay kỷ niệm. Mọi đứa trẻ rồi cũng thành người lớn, dù muốn hay không. Trên chặng đường ấy, sẽ có những thứ quen thuộc đến một ngày trở thành xa lạ.

Tuổi thơ sẽ trôi đi trước cả khi những đứa trẻ nhận ra thời kỳ ấy đã kết thúc để kịp trao tặng nó một lời chào. Kỷ niệm hay ký ức giúp cho hành trình trưởng thành có nhiều cảm xúc hơn trong một thế giới mà công nghệ đã giúp chúng ta tiết kiệm được quá nhiều thời gian vì sự tiện lợi và phát triển không ngừng của nó.

Nho Quan