Hướng dẫn cách làm nước tắm mùa hè cho bé không bệnh tật
1. Nước kinh giới
Nước kinh giới là một loại nước khá tốt dùng cho bé yêu. Loại nước này có khả năng làm sạch da, có tính sát trùng tại chỗ, tiêu diệt được vi khuẩn gây bệnh bám ở trên da. Trong kinh giới lại có tinh dầu, có tác dụng xua đuổi vi rút. Đồng thời cây kinh giới còn có tác dụng khu phong (khu trú mầm bệnh ở bên ngoài xâm nhập), chỉ ngứa (chống ngữa hữu hiệu) nên rất hữu ích với bệnh ngoài da trẻ em.
Nước kinh giới hữu ích với một số bệnh trẻ em như nhiễm trùng ngoài da, viêm da, hăm kẽ, loét da, rôm sảy, eczema.
Cách làm như sau: ra vườn, hái kinh giới, hái cả lá lẫn cành, lấy cả lá bánh tẻ và lá non. Sau đó đem về, rửa sạch, hái chừng 100 gam (tương ứng với 1 nắm nhỏ), chế thêm 300ml nước, cho lên bếp, đem đun sôi, rồi vắt ra lấy nước. Dùng nước này rửa cho bé ngày 2 lần: gần trưa 1 lần và tối 1 lần. Hong khô sau rửa
2. Nước chè xanh
Nước chè xanh có tain, có tác dụng làm đông vón vỏ vi khuẩn, có tác dụng bất hoạt vi khuẩn, lại có tác dụng làm se da nên sẽ làm giảm chảy nước với các vết nhiễm trùng ngoài da. Chè xanh cũng có một ít tinh dầu nên có ích lợi nhất định với vi rút gây bệnh ngoài da.
Nước chè xanh hữu ích với các bệnh nhiễm trùng ngoài da có tính chất chảy nước như hăm kẽ mức độ vừa, chốc lở ngoài da, chốc lây và chốc loét.
Cách làm như sau: lấy 1 nắm lá chè xanh, tương đương với 100 gam. Nếu không có lá chè tươi thì có thể lấy chè mạn (chè để uống), một nhúm to. Nấu đặc. Sau đó đem lau vào vùng da tổn thương cho em bé. Ngày lau 3 lần: giữa buổi sáng, giữa buổi chiều và đầu giờ tối. Chỉ vài ngày vết tổn thương ngoài da sẽ ổn.
3. Nước lá tre
Nước lá tre có tính chất làm ra mồ hôi. Ra được mồ hôi thì sẽ làm thông thoáng lỗ chân lông, làm sạch vi khuẩn cư trú bên trong, do đó giảm sưng viêm. Nước lá tre còn có tác dụng sát trùng, làm giảm hoạt động của vi khuẩn nên ích lợi với bệnh nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, nước lá tre còn có tác dụng thanh nhiệt, có tác dụng làm mát da, giảm nhiệt cho da, chống được các nốt liên quan đến rôm sảy.
Nước lá tre thích hợp với bệnh viêm lỗ chân lông các mức độ nông và sâu, bệnh rôm sảy mọc quá nhiều, mụn nhọt lẻ tẻ ở gáy, vai và nách.
Cách làm như sau: lấy 100-150 gam lá tre non và lá tre bánh tẻ. Rửa sạch, xong chế thêm nước. Chế thêm chừng 200-300ml nước. Đun sôi to lửa. Để sôi chừng 5 phút, bắc ra, đợi nguội bớt đến còn ấm là được. Lau rửa cho bé ngày 2 lần: gần trưa (10h) 1 lần và xế chiều 1 lần (4-5h)
4. Nước kim ngân
Nước kim ngân có chút ít kháng sinh thực vật có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây mụn nhọt ngoài da. Nước kim ngân lại có tác dụng chống ngứa nên hữu ích để giảm ngứa. Nước kim ngân lại có một ít tanin có tác dụng làm se da, khô da, nên làm giảm chảy nước, lại có tác dụng đông vón vỏ vi khuẩn nên làm giảm mức độ phát triển của vi khuẩn.
Nước kim ngân có tác dụng với một số bệnh như chốc loét, chốc lây và hăm kẽ.
Cách làm như sau: lấy cây kim ngân cả lá, thân và hoa đang nụ. Lấy chừng 150 gam, cho thêm 300ml nước sạch, đun sôi, đậy vung.
Sau đó 5 phút bỏ ra dùng, nhớ để nguội bớt đến khi còn ấm, vắt bã ra lấy nước cốt. Lấy khăn mặt xô, thấm đẫm nước rồi lau lên các vết loét cho bé. Chỉ cần 2-3 ngày, mỗi ngày lau 2-3 lần tùy mức độ, vết loét của da bé sẽ bình ổn
Lưu ý: Các loại nước trên có tác dụng dự phòng là chính, điều trị các bệnh kể trên ở mức độ nhẹ và vừa. Sau 2-3 ngày tắm bệnh không có dấu hiệu tiến triển thì phải đi khám bác sỹ ngay.